* Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL: Huy động sức mạnh của truyền thông, điện ảnh thế giới trong quảng bá
Liên kết giữa điện ảnh và du lịch là hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều dư địa nếu khai thác đúng cách. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông, các bước đi sẽ bài bản, căn cơ, góp phần quảng bá hiệu quả điện ảnh, du lịch Việt Nam. Quảng bá phải được làm bài bản từ quản trị, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống, điểm mới, điểm lạ của Việt Nam mà du khách mong muốn được trải nghiệm; quảng bá có trọng tâm, trọng điểm, có chiến dịch, đồng loạt tạo tiếng vang, tránh dàn trải, nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, huy động được sức mạnh của truyền thông, sức mạnh của điện ảnh thế giới để đạt được diện rộng và có chiều sâu, hiệu quả.
Các bộ phim của nước ngoài quay tại Việt Nam sẽ có đóng góp rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sắp được Quốc hội thông qua có các dự án về trường quay hiện đại, đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đây cũng là động lực thúc đẩy để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nhà làm phim quốc tế trong sản xuất các bộ phim tại Việt Nam.
Trong lúc chờ có trường quay hiện đại, cần có giải pháp tận dụng “trường quay tự nhiên” sẵn có tại Hạ Long (Quảng Ninh), Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Nội… Chính quyền các địa phương cũng cần chủ động, sẵn sàng vào cuộc, tạo điều kiện cho các nhà làm phim, qua đó xây dựng được các sản phẩm du lịch - điện ảnh ấn tượng, có sức lan tỏa.
* Ông HÀ VĂN SIÊU, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam: Phối hợp tổ chức sự kiện du lịch điện ảnh có chất lượng
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch qua điện ảnh, cần nghiên cứu, đánh giá tác động của điện ảnh đến hoạt động xúc tiến và khả năng phát triển du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế làm phim giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam. Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch tại những sự kiện điện ảnh lớn, tại thành phố, quốc gia là kinh đô điện ảnh, có nền điện ảnh phát triển hàng đầu trên thế giới để quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Việt Nam, giới thiệu chính sách ưu đãi dành cho nhà sản xuất, đạo diễn làm phim để thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh.
Ngoài ra, tổ chức chương trình dành cho các nhà sản xuất, đạo diễn và những người làm điện ảnh quốc tế cũng như trong nước khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam, tìm hiểu cơ hội làm phim, hợp tác phát triển điện ảnh du lịch. Phối hợp tổ chức một số sự kiện du lịch - điện ảnh có chất lượng, tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh đến làm phim quảng bá du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, sản xuất một số ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, chính sách điện ảnh du lịch của Việt Nam phù hợp với nhu cầu của thị trường mục tiêu.
* Ông JOEL RICE, nhà sản xuất phim Hành trình tình yêu của một du khách: Còn nhiều nhà sản xuất phim thế giới chưa biết đến Việt Nam
Tôi có một kinh nghiệm quay rất thú vị khi thực hiện bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách ở Việt Nam. Mọi nơi tôi đến, mọi thứ tôi quay đều rất được ủng hộ. Hành trình làm phim đó đã để lại ấn tượng tuyệt vời. Việt Nam là đất nước rất đẹp. Tuy nhiên, hiện nay, thông tin về điểm đến Việt Nam với các nhà làm phim chưa nhiều. Trong khi đó, có rất nhiều nhà làm phim mong muốn được tới Việt Nam để thực hiện cảnh quay. Tôi nghĩ rằng Việt Nam phải tính đến việc giảm thuế cho các nhà làm phim nước ngoài và tạo ra nhiều chương trình xúc tiến để thu hút các nhà làm phim, tạo ra sự tiếp cận rộng rãi với các nhà làm phim quốc tế.
* Ông NICHOLAS SIMON, Tổng Giám đốc Indochina Productions: Thủ tục hành chính nên thông thoáng hơn
Việt Nam có nhiều địa điểm tiềm năng để trở thành phim trường, nhiều nơi có thể lấy làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay, như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Hà Nội... Thậm chí, có nhiều nơi rất đặc biệt, chưa bao giờ được xuất hiện trong phim. Con người Việt Nam rất hiếu khách, môi trường làm việc dễ chịu. Những ký kết giữa các nhà làm phim với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không sẽ mở ra cơ hội mới và tăng tính cạnh tranh của du lịch, điện ảnh Việt Nam trong khu vực.
Để thúc đẩy phát triển điện ảnh, thu hút các nhà làm phim thì phải tạo ra các chính sách ưu đãi, từ đó giảm chi phí cho nhà làm phim, khiến điểm đến Việt Nam trở nên hấp dẫn. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng nên có sự thông thoáng hơn, việc cấp phép dễ dàng sẽ góp phần thuận lợi để mời gọi các nhà sản xuất điện ảnh, chương trình truyền hình đến với Việt Nam. Ví dụ như White Lotus, một chương trình nổi tiếng tại Hoa Kỳ, cũng đã từng có ý định đến quay tại Việt Nam. Nếu những chương trình như White Lotus đến Việt Nam thì sẽ gây tiếng vang lớn.
* Ông CAO TRÍ DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện ảnh - du lịch
Đứng từ góc độ của doanh nghiệp, theo tôi, nên có một đề án tổng thể từ Bộ VH-TT-DL - tư lệnh ngành chủ trì thực hiện nhiều hoạt động liên quan trong mối quan hệ phối hợp giữa điện ảnh và du lịch. Qua đó có những đánh giá, phân tích, nhận định chung, tạo đồng thuận từ phía quản lý nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các nội dung hợp tác giữa điện ảnh và du lịch.
Cùng với đó, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu liên quan tới nội dung này ở tầm quốc gia cũng như ở tầm địa phương và doanh nghiệp. Khi đó, chúng ta mới đủ điều kiện thực hiện hoạt động xúc tiến đến các sự kiện lớn, các liên hoan phim quốc tế, các trung tâm điện ảnh như Hollywood, Bollywood…; sẵn sàng ký các thỏa thuận MOU (biên bản ghi nhớ) với các trung tâm điện ảnh. Khi đã sẵn sàng như vậy, Việt Nam sẽ là điểm đến của những bộ phim “bom tấn” thế giới.