Điện ảnh - Du lịch: Đừng để tiềm năng mãi "tiềm ẩn" - Bài 1: Khơi thông tiềm năng

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra rạp, số lượng khách du lịch đến Phú Yên đã tăng từ 750.000 lượt (2014) lên 1,6 triệu lượt (2018). Tương tự, du lịch phim trường tại Ninh Bình cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc từ 1,44 triệu lượt (2016) lên 4,8 triệu lượt (2019) sau thành công toàn cầu của bom tấn Kong - Đảo đầu lâu. Đây là những minh chứng rõ ràng cho sức ảnh hưởng tích cực của điện ảnh đối với du lịch.

LTS: Điện ảnh và du lịch từ lâu đã có mối quan hệ cộng sinh, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển. Những năm qua, tại Việt Nam, mối quan hệ này đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, cần giải quyết nhiều thách thức, trong đó yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt và chủ động giữa các bên liên quan.

Mở cửa đón thế giới

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khẳng định, điện ảnh là một kênh quảng bá hiệu quả, tạo ấn tượng tích cực cho người xem. Điện ảnh cung cấp thông tin, kiến thức về một số khía cạnh của điểm đến như cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa về miền đất, con người, hay thậm chí một sản phẩm du lịch cụ thể, dẫn đến việc hình thành sự quan tâm của khán giả đối với một quốc gia, một điểm đến, hay một sản phẩm du lịch cụ thể.

B6a.jpg
Sự thơ mộng, hoang sơ, hoài cổ của vùng đất Phú Yên trong “Ngày xưa có một chuyện tình”

Ông Siêu cũng nhắc đến bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách (A Tourist’s Guide to Love), phim quốc tế đầu tiên được quay hoàn toàn tại Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Sau khi công chiếu vào tháng 4-2023, phim đã đứng thứ 3 trong tốp 10 phim tiếng Anh trên Netflix, lọt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất ở 78 thị trường trên khắp châu lục. Ngoài ra, còn nhiều bộ phim nổi bật như: L’amant (Người tình, 1992), The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng, 2002), Pan (Pan và vùng đất Neverland, 2015) và Thi Mai, Rumbo a Vietnam (Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam, 2018).

“Tôi thấy đây là điều rất đáng mừng với các nhà làm phim khi lãnh đạo địa phương chú trọng, trân trọng lĩnh vực điện ảnh. Rõ ràng, sức hút từ các bộ phim không chỉ có tầm ảnh hưởng trong nước, mà còn mở rộng phạm vi ra thế giới. Thông qua việc phát triển du lịch từ điện ảnh, khách du lịch trong và ngoài nước đến địa phương sẽ chi tiêu rất nhiều, góp phần kích cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Khi đó, điện ảnh sẽ là công cụ quảng bá hiệu quả cho các địa phương”. Nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền, phát biểu.

Theo ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhiều nội dung trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022 đã tạo cơ chế phối hợp giữa du lịch và điện ảnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và áp dụng các chính sách ưu đãi thuế. Điển hình như thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh đã giảm từ 11 trong giai đoạn 2006-2009 xuống còn 5 thủ tục ở hiện tại. Trước đây, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam yêu cầu kịch bản toàn phần, giờ chỉ cần kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết cho bối cảnh tại Việt Nam. Thời gian tiếp nhận hồ sơ cũng đã rút còn 20 ngày.

Gần đây, Bộ VH-TT-DL cùng các cơ quan liên quan, tỉnh thành đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch qua điện ảnh nhằm tích cực quảng bá địa danh nổi bật, kết nối các nhà làm phim trong và ngoài nước để thúc đẩy du lịch Việt Nam. Có thể kể đến: Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh vào tháng 6-2023 tại Khánh Hòa; hội thảo Xây dựng chỉ số môi trường làm phim tại Phú Yên vào tháng 11-2023; chương trình Du lịch, Điện ảnh và Thể Thao - Tự hào bản sắc Việt tháng 9-2024 tại Bình Định.

Cuối tháng 9, Bộ VH-TT-DL tổ chức chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại San Francisco và Hollywood (Hoa Kỳ) với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” nhằm mở ra những cơ hội mới để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thông qua điện ảnh. Đồng thời, chương trình còn giới thiệu Việt Nam không chỉ là một điểm đến lý tưởng cho khách du lịch mà còn là nơi hấp dẫn đối với các nhà làm phim, đạo diễn điện ảnh và diễn viên hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), dù thủ tục đã được đơn giản hóa, nhưng vẫn cần nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các đoàn phim. Bà cũng đề xuất Bộ VH-TT-DL và cơ quan thuế có những văn bản hướng dẫn dưới luật thật cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà làm phim. Bởi yếu tố này quyết định lớn đến việc thu hút đoàn phim vào Việt Nam.

Chuyển biến đáng mừng

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, người vừa hoàn thành bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình tại Phú Yên, cho biết, đoàn phim đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh, nhất là việc hỗ trợ bối cảnh và cải tạo không gian phim trường. Sau thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Phú Yên đang dần nổi lên như một điểm du lịch điện ảnh đầy hấp dẫn. Phú Yên hiện cũng đang dẫn đầu Bộ Chỉ số hấp dẫn quay phim (Production Attraction Index - PAI) do VFDA công bố, dựa trên 5 tiêu chí: hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thực địa, hỗ trợ thủ tục pháp lý và hạ tầng sẵn có.

B1a.jpg
Sự thơ mộng, hoang sơ, hoài cổ của vùng đất Phú Yên trong phim Ngày xưa có một chuyện tình. Ảnh: ĐPCC

Nhận thức rõ tiềm năng phát triển du lịch qua điện ảnh, nhiều địa phương khác cũng đang tích cực quảng bá và thu hút các đoàn làm phim. Ngoài Phú Yên, đã có 9 tỉnh thành tham gia thực hiện bộ chỉ số PAI, gồm: Tuyên Quang, Khánh Hòa, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Kạn và Cần Thơ. Một số địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến kết hợp giữa điện ảnh và du lịch, như Tuyên Quang, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết, tỉnh đã tăng cường phối hợp các đoàn làm phim đến quay tại tỉnh, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính và hỗ trợ chính sách thuế.

“Điện ảnh từ lâu đã được Đà Nẵng coi là một trong những trụ cột chiến lược để phát triển du lịch, đặc biệt hướng tới du khách quốc tế. Chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho các đoàn làm phim, bao gồm hỗ trợ tối đa về thủ tục pháp lý, đảm bảo an ninh, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển. Các doanh nghiệp địa phương cũng cam kết hỗ trợ hậu cần toàn diện, từ nơi lưu trú đến các dịch vụ thiết yếu khác. Sẵn sàng hỗ trợ toàn diện từ khâu hậu cần cho đến đóng góp ý tưởng sáng tạo, đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Điều này càng củng cố tiềm năng của Đà Nẵng như một trung tâm điện ảnh đầy sức hút”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thông tin.

Hiệu quả của sự hỗ trợ này cũng rất rõ ràng, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ, trong quá trình thực hiện hai bộ phim Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền và cộng đồng ở Hà Giang như: giúp kéo đường điện, ống nước dài 15km qua 2 ngọn đồi về tận làng phục vụ quá trình quay phim…; hay như người dân ở Quảng Trị tạm ngưng việc đồng áng để hỗ trợ đoàn phim Cám trong vai trò diễn viên quần chúng. Với bộ phim Hoàng hậu cuối cùng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lập hẳn một ban nhằm phối hợp, giúp đỡ công tác sản xuất thuận lợi, hiệu quả nhất là khi thực hiện cảnh quay tại các điểm di tích văn hóa, lịch sử, sau khi ghi dấu ấn trong nhiều dự án lớn như Mắt biếc, Em và Trịnh, Trịnh Công Sơn, Kiều

Một tín hiệu đáng mừng khác, sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) mở cửa quy định tổ chức các liên hoan phim, Đà Nẵng và TPHCM đã trở thành những địa phương tiên phong tổ chức các liên hoan phim quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao uy tín địa phương mà còn cả thương hiệu điện ảnh quốc gia. TPHCM đang xây dựng hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh. Trong khi đó, Nha Trang (Khánh Hòa) đã tổ chức lễ trao giải Cánh diều trong 3 năm liên tiếp với nhiều hoạt động bên lề sôi nổi, mời nhiều khách quốc tế tham dự.

Tin cùng chuyên mục