Chốt là nhà
Từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), đi dọc theo đường tuần tra biên giới khoảng 8km, PV Báo SGGP tìm đến chốt dân quân thường trực biên giới xã Lộc Hòa.
Con đường tuần tra được trải nhựa, hai bên đường đi là dãy cao su bạt ngàn - cũng là một phần sinh kế đặc trưng của bà con tỉnh Bình Phước. Lộc Hòa là xã biên giới nằm ở phía bắc huyện Lộc Ninh, có đường biên giới dài 12km, giáp với huyện Sanuol, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. Đây cũng là địa bàn giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
“Các đồng chí nghe rõ. Hôm nay, ngoài nhiệm vụ huấn luyện và tuần tra, chúng ta đến nhà ông Điểu Hiếu giúp thêm một tay”. Xe chưa đến chốt, chúng tôi đã nghe thấy tiếng hô sang sảng của đồng chí chốt trưởng Đoàn Văn Quí. Đón chúng tôi là 12 chiến sĩ dân quân thường trực tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết, cùng mang ước mơ gìn giữ biên cương. Chốt dân quân xã nơi này có nhiệm vụ phối hợp các lực lượng biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Lộc An, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác tuần tra, truy quét, nắm tình hình trên tuyến biên giới. Trải qua 7 năm làm việc, anh Quí coi chốt dân quân là nhà, bà con vùng biên là người thân. Trước đó, vào năm 2019, khi Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND tỉnh Bình Phước có chủ trương xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, anh Quí cùng chiến sĩ dân quân vận động bà con dân tộc thiểu số không có nhà hoặc có hoàn cảnh khó khăn ra biên giới sinh sống. Đến nay, điểm dân cư đã có 34 hộ, trong đó 33 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc S’tiêng.
Sau khi tuần tra trên tuyến đường biên giới, PV theo chân các chiến sĩ đến nhà ông Điểu Hiếu, cách chốt khoảng 500 mét. Các chiến sĩ dân quân nhanh nhẹn ra vườn điều giúp ông phát quang cành khô, dọn cỏ, rồi lại tận tình chỉ vợ chồng ông cách chăm sóc vườn điều trước khi ra trái. Ông Điểu Hiếu (sinh năm 1972) cùng vợ là bà Thị Mước (sinh năm 1984) có 4 người con trai, trong đó 3 con nhỏ còn đang đi học. Bên cạnh 5 sào lúa, vợ chồng ông còn được Quân khu 7 cấp 1 con bò để làm vốn. Bằng vốn tiếng Việt không nhiều, bà Mước cầm tay chiến sĩ dân quân nói “cảm ơn các chú” liên tục.
Ông Điểu Hiếu nói, lúc mới dọn về gần biên giới cũng lo lắng an ninh trật tự lắm, nhưng chỉ cần thấy có màu áo xanh của chiến sĩ dân quân là lại thở phào. “Cuộc sống của gia đình từ lúc ra biên giới ổn định rồi. Hơi xa chợ thôi, đưa con đi học thì mua nhiều gạo và mắm muối. Rau thì có trong vườn, rau mướp, rau dền tự trồng được”, ông Điểu Hiếu cười nói.
Hy sinh thầm lặng
Theo các hộ dân sinh sống lâu năm, trước đây ở địa bàn xã Lộc Hòa,tình hình an ninh trật tự luôn phức tạp. Cùng chung mô hình xây dựng chốt dân quân biên giới của các địa phương biên giới trong tỉnh, chốt dân quân xã Lộc Hòa được thành lập và đi vào hoạt động năm 2005. Nằm cạnh đường tuần tra biên giới, đối diện là rừng cao su với nhà cửa thưa thớt, chốt dân quân xã Lộc Hòa ra đời như một người lính vững chãi nơi vùng biên, là điểm tựa để người dân yên tâm sinh sống, lao động.
Mỗi ngày, anh Quí cùng anh em trong chốt tích cực tuần tra, truy quét, phân tích từng đường đi, nước bước của tội phạm vùng biên. Anh Quí cho biết, thời gian hoạt động của các đối tượng không cố định, lúc nửa đêm, khi mờ sáng, có hôm lại giữa giờ trưa. “Có những đêm vợ con thức chờ ở nhà, nhưng vẫn phải cùng anh em nằm gần đường biên mật phục. Những lúc như thế lại bàn nhau giấu gia đình, nói là đang đi tuần tra bình thường để gia đình đỡ lo”, anh Quí kể.
Anh Điểu Vưa, Tiểu đội trưởng chốt dân quân xã Lộc Hòa, kể với chúng tôi về những khó khăn, nguy hiểm khi làm nhiệm vụ. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều tội phạm tinh vi; các đối tượng người nước ngoài thường xuyên tổ chức móc nối với đối tượng trong xã để đưa người xuất, nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, một số người ở địa bàn khác trộm cắp xe máy, đưa qua các con đường tiểu ngạch sang nước bạn tiêu thụ.
“Khoảng năm 2021, khi lực lượng tuần tra phát hiện tội phạm buôn lậu nguy hiểm vượt biên, các đối tượng đã tông trực diện xe máy vào mấy anh em chiến sĩ. May mắn không có ai bị thương nặng, nhưng càng ngày tội phạm càng chống trả quyết liệt hơn”, anh Điểu Vưa nói.
Ở chốt dân quân xã Lộc Hòa, anh Điểu Cơn là chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn nhất. Anh Điểu Cơn sinh năm 1993, mồ côi cha mẹ, hiện đang ở với chị gái, không có thu nhập. Gia đình anh chỉ có hơn 1 sào đất, không có nhà cửa nên được tạo điều kiện cấp nhà trong khu dân cư liền kề. Nhiều lần, xóm làng khuyên anh lên thành phố tìm việc với mức thu nhập khá hơn, nhưng anh chỉ cười.
Anh Điểu Cơn tâm sự: “Tôi từ không có đất, không có nhà được tạo điều kiện có căn nhà ở tránh nắng mưa. Bây giờ công việc cũng quen, muốn cống hiến hết mình cho bà con, rồi từ từ tìm cách làm kinh tế thêm”.
Ông Điểu Tin, Ấp trưởng ấp Suối Thôn (nơi chốt dân quân đứng chân), chia sẻ, từ khi có chốt, bà con trong ấp yên tâm sinh sống, sản xuất. Các hộ dân thường xuyên được nghe tuyên truyền, vận động phát hiện tội phạm ở khu vực biên giới để báo với cơ quan chức năng, gần nhất là lực lượng dân quân. Từ đó, mỗi người dân bám biên đều mang trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn sinh sống.