Điểm tựa từ khán giả

Điện ảnh Việt Nam đã bước qua tuổi 70. Thế nhưng, nếu tính dấu mốc năm 1947 khi cái nôi điện ảnh cách mạng Bưng biền - Nam bộ cho ra đời những thước phim tài liệu chiến trường đầu tiên, hành trình ấy còn dài hơn.
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Điện ảnh Việt Nam. Nguồn: LAODONG.VN
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Điện ảnh Việt Nam. Nguồn: LAODONG.VN

Hào quang quá khứ là điều không thể phủ nhận. Thực tại cũng nhiều niềm tín hiệu lạc quan, nhưng ngổn ngang không ít.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Điện ảnh Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội vừa qua, những chia sẻ của NSND Trà Giang về thực tại hoang tàn, đổ nát của Hãng phim truyện Việt Nam để lại dấu lặng buồn.

Nơi đây không chỉ là ngôi nhà đưa tên tuổi bà đến gần với công chúng, với những đỉnh cao của nghệ thuật thứ bảy, mà còn là cái nôi của những tác phẩm kinh điển: Bao giờ cho đến tháng mười, Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Đêm hội Long Trì, Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa đông năm 46, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Nhưng dấu gạch nối từ một hãng phim nhà nước sang hình thức cổ phần hóa lại đẩy nó đến thực trạng đau lòng. Chưa ai dám chắc thực tế bi đát ấy khi nào chấm dứt để không khí làm phim sôi nổi, nhiệt huyết trở lại. Ngày hồi sinh của “cánh chim đầu đàn” điện ảnh Việt dường như còn quá xa vời!

Nhìn về quá khứ với tâm thế ngưỡng vọng các thế hệ người làm điện ảnh đi trước, thế hệ hậu sinh thán phục khi trong bom rơi lửa đạn, muôn trùng khó khăn, các bậc tiền nhân vẫn có thể tạo nên nhiều tác phẩm kinh điển mang đến nhiều cảm xúc tự hào, bồi hồi. Vậy mà, soi trong hiện tại, không chỉ thực tế của Hãng phim truyện Việt Nam, mà cả điện ảnh Việt vẫn còn trăm mối tơ vò.

Đó là câu chuyện về sự mất cân bằng giữa điện ảnh nhà nước và tư nhân. Xã hội hóa điện ảnh đã tạo nên một thế hệ các nhà làm phim giỏi nghề, năng động và thức thời. Họ đã thổi luồng gió mới cho điện ảnh, tạo nên những cột mốc lớn về doanh thu, tăng cả về lượng và chất. Nhưng khoảng trống của dòng phim nhà nước với những đề tài khó, đòi hỏi được đầu tư kinh phí lớn đồng thời mang tính định hướng thẩm mỹ cao đã bị bỏ ngỏ suốt thời gian dài. Điện ảnh Việt trong giai đoạn quá độ lên thành ngành công nghiệp tất yếu cần phát triển theo cơ chế thị trường. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc thả nổi hoàn toàn.

Trong bức tranh phát triển hiện tại vẫn còn nhiều trồi sụt, chưa ổn định cả về lượng và chất bài toán nguồn nhân lực, còn đó bao nhiêu trăn trở. Thực tế đang bộc lộ sự thiếu đồng bộ từ khâu đào tạo, nuôi dưỡng đến phát triển tài năng. Mục tiêu, tầm nhìn cho điện ảnh Việt đã có. Các chính sách về mặt pháp luật, mới nhất là Luật Điện ảnh sửa đổi cùng các văn bản dưới luật, đã và đang được ban hành, góp phần tạo nên hành lang pháp lý vững chắc. Tuy vậy, áp dụng trong thực tiễn như thế nào cho hiệu quả vẫn còn nhiều trăn trở. Đơn cử như chuyện xây dựng một quỹ điện ảnh, hơn 10 năm qua vẫn nằm trên giấy.

Nói như thế không phải để “vạch lá tìm sâu”. Lịch sử phát triển 70 năm cũng từng chứng kiến không ít giai đoạn thăng trầm. Thời kỳ 1980-1990, điện ảnh rơi vào khủng hoảng khi không còn được bao cấp. Nhưng rồi, chính sự hồi sinh tự thân như sức sống tiềm tàng vốn có, từ nền móng vững chắc của nền điện ảnh cách mạng, đã phát huy đúng lúc, đúng chỗ. Không khí người người làm phim, nhà nhà làm phim và quy luật sàng lọc khắc nghiệt của thị trường đã giữ lại những hạt nhân tốt cho điện ảnh Việt.

Nhưng có lẽ, điểm tựa lớn nhất và quan trọng nhất đối với điện ảnh Việt chính là khán giả. Có thể, ở một thời điểm nào đó, người ta nói khán giả quay lưng, thờ ơ với phim Việt. Điều đó cũng chỉ mang tính nhất thời. Năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, điện ảnh Việt từng vượt mốc doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng. Sau đó, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, với 5 bộ phim Việt ra rạp, doanh thu đã cán mốc khoảng 700 tỷ đồng. Đó chẳng phải minh chứng cho thấy, khán giả vẫn yêu phim Việt nếu mỗi tác phẩm tìm được điểm chạm khiến họ đồng cảm.

2023 có thể xem là năm bản lề - một dấu gạch nối cho sự hồi phục toàn diện của thị trường. Ở thập niên này, điện ảnh Việt sẽ đối đầu với nhiều thách thức và cùng đó là không ít cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ trở thành ngành công nghiệp thực thụ, góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, đồng thời đóng góp ngày càng nhiều trong tỷ trọng GDP. Sự thay đổi đồng bộ về tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt mới đem đến hy vọng tạo nên bước nhảy vọt xứng tầm tiềm năng sẵn có của một nền điện ảnh hơn 70 năm tồn tại và phát triển.

Tin cùng chuyên mục