Hôm nay, mùng 10 tháng ba âm lịch, câu ca vắt qua bao thế kỷ bể dâu, qua bao thăng trầm lịch sử lại vọng vang nhắc nhớ: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Ngày mà không chỉ hơn trăm triệu người Việt Nam trong nước mà bất cứ ai mang dòng máu Lạc Hồng đang sinh sống khắp chân trời góc bể cũng cúi đầu vọng tưởng!
Rất nhiều lần đi về với miền đất trung du Phú Thọ dâng hương Đền Hùng nhưng ấn tượng về nơi chốn thiêng liêng này vẫn in đậm trong người viết với lần hành hương đầu tiên từ hơn 30 năm trước. Chuyến hành hương khởi đi từ niềm day dứt khi chạnh nghĩ đến cụm từ: “quê Cha - đất Tổ”. Quê cha mỗi người mỗi chốn, còn đất Tổ xa ngàn dặm quan san cứ khắc khoải: Bao giờ về đất Tổ?
Về đất Tổ trong tâm thức người Việt gần như là cuộc hành hương ít nhất phải có một lần trong đời. Trong chuyến hành hương về đất Tổ lần đầu ấy, chúng tôi đã gặp nhiều người Việt xa xứ, có những cụ già đã bước vào tuổi “cổ lai hy” vẫn lặn lội về đây, xin bốc một nắm đất bên mộ Tổ, múc một bát nước trong giếng Ngọc, xin một nắm chân nhang trong chiếc lư nơi lăng Vua Hùng... Chỉ ngần ấy thôi, rồi gói ghém mang theo về phương trời xa lắc, bày vào nơi tôn kính trong nhà để cảm thấy an ủi rằng tuy cách biệt ngàn trùng nhưng quê cha đất Tổ vẫn gần gũi hiện diện ở đó, trong nắm đất, bát nước, que nhang, để biết cội nguồn bên mình, nhắc nhở mình về dòng giống Lạc Hồng.
Đền Hùng chất chứa trầm tích của những huyền thoại làm nên lịch sử dân Việt, như đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ 100 người con, 50 người theo cha là Lạc Long Quân xuống bể, 50 người theo mẹ lên rừng tạo dựng giang sơn: “rằng cùng một bọc sinh ra”. Có phải thế chăng mà người Việt gọi nhau là đồng bào, tức là cùng một bào thai, đó là bài học về yêu thương đoàn kết “giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đền Trung không chỉ là nơi Vua Hùng họp bàn cơ mật cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng mà còn là nơi phát xuất của câu chuyện cổ tích bánh chưng, bánh dày, vừa thấm đẫm văn hóa dân gian vừa để lại bài học về cách chọn người tài trị quốc. Đền Thượng không chỉ là nơi thờ Trời Đất mà còn thờ Thần Lúa. Xuôi xuống Đền Giếng, không chỉ là nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa mà còn để lại những truyền thuyết tuyệt đẹp về tình yêu của Tiên Dung và Chử Đồng Tử... Chính những giá trị văn hóa dân tộc được ẩn chứa trong những huyền thoại, truyền thuyết khởi phát từ đây đã khiến Đền Hùng - cùng với thời gian càng trở thành một di sản vĩ đại.
Một điều có ý nghĩa vô cùng đặc biệt là Đền Hùng không chỉ là một di sản văn hóa lịch sử vô giá, mà chính cháu con của các Vua Hùng của thời đại Hồ Chí Minh đã hun đúc hồn thiêng sông núi để làm giàu có và phong phú thêm giá trị tinh thần của di sản. Hôm 8-4-2024, một bức phù điêu khổng lồ bằng đồng được Bộ Quốc phòng tài trợ đã được khánh thành tại đây (thay cho bức phù điêu cũ), khắc họa hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với những người lính của Đại đoàn Quân Tiên Phong vào ngày 19-9-1954 với câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Một câu nói giản dị nhưng diễn đạt đầy đủ nhất tinh thần của cháu con Vua Hùng, của con dân nước Việt. Lời dặn ấy mang sức nặng của mấy ngàn năm lịch sử. Và chính vì thế, xuyên qua bao nhiêu thế kỷ, Đền Hùng là điểm tựa tinh thần của dân tộc Việt. Mỗi lần giỗ Tổ hàng năm chính là bồi đắp cho điểm tựa tinh thần đó ngày càng vững chắc vĩnh hằng.