Cuối tháng 5-2017, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (TTYT) chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động. Công trình là minh chứng cho sự đồng thuận, một lòng hướng về biển đảo của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Hải Quân, Bệnh viện Quân y 175; đặc biệt là sự góp sức của nhân dân khắp mọi miền đất nước. Sau một năm đi vào hoạt động, trung tâm đã góp phần chăm sóc sức khỏe của quân, dân trên đảo Trường Sa, ngư dân trên ngư trường và ngư dân tàu bè quốc tế.
Chỗ dựa của ngư dân
Cùng với việc cử người ra Trường Sa làm nhiệm vụ tại TTYT trong những năm qua, Bệnh viện Quân y 175 đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm nỗ lực cứu sống nhiều người bệnh. Vượt qua khó khăn, bằng tâm huyết và tài năng của những chiến sĩ quân y, nhiều người không may gặp nạn đã được cứu sống. Nếu như việc cấp cứu người gặp nạn, mắc bệnh hiểm nghèo vốn là công việc quen thuộc của người thầy thuốc tại đất liền thì việc giành giật mạng sống với tử thần nơi đầu sóng ngọn gió với phương tiện còn thiếu thốn như ở Trường Sa thì quả là kỳ tích.
Đặc biệt, kể từ khi lắp đặt hệ thống telemedicine (hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa) trên các đảo, khoảng cách giữa đất liền và hải đảo đã được rút ngắn. Hệ thống telemedicine đã tạo ra sự kết nối giữa các cơ sở y tế trên đảo với đất liền, giúp những chuyên gia đầu ngành của bệnh viện có thể tận mắt quan sát người bệnh, trao đổi trực tiếp với y tế cơ sở, nghiên cứu các kết quả xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Từ đó lựa chọn chỉ định điều trị thích hợp, an toàn nhất cho người bệnh.
Điển hình là trường hợp một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vào ngày 24-5 được chuyến từ đảo Đá Lát vào trưa hôm trước. Sau khi được hội chuẩn đoán qua hệ thống telemedicine, các bác sĩ chuyên môn tại Bệnh viện Quân y 175 đã chuẩn đoán bệnh tình diễn biến cực kỳ nghiêm trọng, nếu không đưa vào đất liền sẽ bị sốc tim, rối loạn nhịp dẫn đến tử vong.
“Quan trọng là bệnh xá phải điều trị làm sao cho bệnh nhân ổn định, không tái phát và có thể kéo dài thời gian về đất liền. Không những thế, trực thăng bay ban đêm khó vô cùng và phải có thêm máy bay dẫn đường”- Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 thông tin.
Hướng đến cứu người trên biển
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay đội ngũ y, bác sĩ ở đảo Trường Sa có 12 người tình nguyện ra đảo làm nhiệm vụ. Trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, các bác sĩ, y sĩ phải mất hơn 1 năm qua nhiều khoa huấn luyện thêm nhiều chuyên ngành khác để trở thành một ê-kíp cho những ca cấp cứu khó. Bên cạnh đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho quân, dân trên đảo Trường Sa, TTYT thị trấn Trường Sa còn phục vụ ngư dân khai thác hải sản trong vùng biển này và cho cả thuyền viên trên các tàu bè nước ngoài không may gặp nạn.
“Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được các trung tâm y tế tại tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa, sẵn sàng đón nhận tất cả tàu thuyền của nước ngoài gặp nạn hoặc cần sự hỗ trợ về y tế, là điểm tựa y tế giữa biển khơi, là địa chỉ cứu trợ nhân đạo quốc tế,” Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Sắp có thêm một Trung tâm y tế tại quần đảo Trường Sa
Trao đổi với PV Báo SGGP, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết, ngoài TTYT thị trấn Trường Sa, sắp tới sẽ có thêm một TTYT tương tự được xây dựng trên đảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Tuy nhiên, do việc vận chuyển vật tư, thiết bị từ đất liền ra đảo còn nhiều khó khăn, phức tạp và tốn kém nên rất cần sự ủng hộ, góp sức của người dân trên cả nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài.
“Chúng tôi hy vọng trong tương lai không xa sẽ xây dựng được các TTYT tại tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa, sẵn sàng phục vụ chiến sĩ, ngư dân cũng như đón nhận tất cả tàu thuyền của nước ngoài gặp nạn hoặc cần sự hỗ trợ về y tế, là điểm tựa y tế giữa biển khơi, là địa chỉ cứu trợ nhân đạo quốc tế”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn mong muốn.