Bà con tín nhiệm
Sinh ra và lớn lên tại xứ bưng biền Liêu Tú, ngay từ năm 20 tuổi, chàng thanh niên Trần Liêu đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ giao liên. Khi đất nước thống nhất, chàng trai năm nào tiếp tục hăng hái tham gia xây dựng chính quyền ở vị trí Trưởng ban Nhân dân ấp, rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Trưởng ban Tổ chức xã... chỉ với mong mỏi góp sức xây dựng quê hương. Trải qua 15 năm công tác, đến năm 1990, ông Hai Liêu quyết định chọn cho mình một ngã rẽ mới. Ông bộc bạch: “Nhận thấy mình cũng đã có tuổi, trong khi yêu cầu nhiệm vụ lúc này cần người có trình độ, được đào tạo qua trường lớp bài bản, nên tôi quyết định “về vườn” sớm để làm một lão nông và tạo cơ hội cho lớp trẻ còn thử sức mình”. Mặc dù vậy, tâm huyết và cái tình với phum sóc của ông Trần Liêu vẫn chưa bao giờ dứt ra được.
Thời điểm những năm 1990, tại các phum sóc, điều kiện sinh hoạt của người dân còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Một con đường bê tông kiên cố từ đầu đến cuối xóm dường như là một “mơ ước xa xỉ” đối với những cư dân xứ bưng biền. Tại Bưng Triết (một ấp thuộc xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) lúc bấy giờ cũng là một phum sóc như vậy, với gần như 100% hộ dân là người dân tộc Khmer và nằm cách xa với trung tâm xã. Vì thế, vùng đất bưng biền này vẫn khiến nhiều người rợn tóc gáy khi nhớ về những năm tháng cơ cực đã qua. Thấu hiểu nỗi vất vả của bà con, ông Hai Liêu quyết tâm biến ước mơ xa xỉ kia thành hiện thực. Nói là làm, năm 1993, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Hai Liêu đứng ra vận động xây dựng thành công tuyến đường đầu tiên (dài 500m, rộng 1,5m) tại Bưng Triết trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Ông chia sẻ: “Lúc đó việc vận động xã hội hóa còn xa lạ lắm, bà con nhiều người không tin mình và cho rằng tôi không thể làm được. Thế nhưng, nghĩ cho phum sóc, mình lại kiên trì, bền bỉ thuyết phục, rồi họ cũng đồng lòng ủng hộ. Người góp của, kẻ góp công mà thành con đường khang trang, người dân đi lại thuận tiện, học sinh đến trường dễ dàng”.
Từ thành quả đầu, ông Hai Liêu nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của bà con phum sóc. Đây cũng là tiền đề cho hàng loạt công trình cầu, đường giao thông nông thôn ra đời. Từ năm 1990 đến nay, ông đã dành nhiều tâm sức để vận động xây dựng 14 điểm cầu bê tông kiên cố (mỗi cây cầu có trị giá 40 - 300 triệu đồng), với gần 2.500m đường giao thông nông thôn (trị giá hàng trăm triệu đồng). Qua đó, góp phần làm thay da đổi thịt bộ mặt xứ bưng biền Liêu Tú ngày nào.
Còn sống thì cứ làm
Dù đã ở tuổi 75, nhưng người ta vẫn thấy ông Hai Liêu sớm hôm tất bật với những chuyện “bao đồng” của phum sóc. Thấy con lộ trong xóm tối om vào ban đêm, sợ mất an ninh trật tự, người dân đi lại không an toàn, ông đến gõ cửa từng nhà vận động lắp hơn 40 bóng đèn chiếu sáng. Rồi “con cháu người ta” bỏ học, ông cũng lặn lội đến tận nhà để khuyên can đến lớp. Hay tin đâu đó có người mắc bệnh hiểm nghèo thì mang gạo, mang tiền đến giúp... Thành thử, bà con phum sóc vẫn hay đùa rằng “ở đâu khó là có chú Hai Liêu”. Vào mỗi dịp hè, những trẻ em người dân tộc ở các phum sóc lại thấy ông Hai Liêu xuất hiện trong một vai trò khác, đó là hình ảnh của ông giáo già. Không ngại chuyện tuổi tác, sức khỏe, ông đều đặn vận động các vị sư sãi cùng mình tham gia giảng dạy chữ Khmer và văn hóa dân tộc cho hơn 200 con em trong các xóm ấp. Vì theo ông, “văn hóa dân tộc là thứ không thể bỏ được”.
Để có thể duy trì các hoạt động xây dựng phum sóc, ông Hai Liêu đã sáng kiến thành lập nên Quỹ Phát triển nông thôn. Hiện nay, nguồn quỹ này đã đi vào hoạt động ổn định, với mức huy động từ 60 triệu đến hơn 80 triệu đồng/năm. Tất cả đều do mạnh thường quân và người dân trong phum sóc đóng góp vào.
Ông Hai Liêu cho biết: “Quỹ này là để khi cần làm cầu, đường thì lấy ra làm. Hay chẳng may trong xóm có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo thì trích ra giúp đỡ. Tất cả bà con đều tự nguyện đóng góp, có ít góp ít, nhiều góp nhiều. Có khi, gia đình nào đó có đám tiệc, họ cũng trích ra một ít tiền mừng tiệc để góp vào quỹ. Hay khi cánh đồng trong xóm gặt lúa xong, bà con thống nhất bán đồng cho người nuôi vịt chạy đồng rồi gom hết vào đó... Tất cả số tiền thu được sẽ được ban quản lý quỹ kiểm soát và công khai minh bạch với bà con trong phum sóc”.
Nói về tuổi già của mình, ông bộc bạch: “Già thì cũng đã già rồi, còn sức khỏe, còn sống thì cứ làm. Làm cái gì cho phum sóc thì cũng coi như là làm cho con cháu mình mai sau. Nhìn xóm ấp ngày một khang trang, đời sống bà con không còn khổ thì cũng đủ vui rồi”.
Ông Lâm Si (73 tuổi, ngụ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề), người đồng hành cùng ông Hai Liêu trong các hoạt động, cho biết: “Anh Hai Liêu nói được là làm được, mà làm thì làm tới cùng, nên mỗi khi làm việc gì đó là người dân đều hưởng ứng nhiệt tình, không nề hà gì. Bà con ở đây rất quý anh, vì là người lúc nào cũng nghĩ cho lợi ích chung của phum sóc”.
Nhắc đến ông Hai Liêu, bà Hà Ngân Kim Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Liêu Tú, phấn khởi nói: “Chú Hai thật sự là điểm tựa vững chắc của bà con phum sóc. Là người có uy tín tiêu biểu, chú rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương dù tuổi tác đã cao. Tôi vẫn nghĩ, mỗi phum sóc mà có được người như chú Hai Liêu thì hay biết mấy”.
Với sự đóng góp của mình, ông Trần Liêu xứng đáng với danh hiệu Người có uy tín cấp tỉnh trong nhiều năm liền. Năm 2018, ông còn vinh dự là một trong những đại biểu dự lễ tôn vinh “Điểm tựa của bản làng”, gặp mặt Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.