Điểm tựa của lao động tự do

7 giờ sáng, gần 20 đoàn viên với màu áo xanh của Nghiệp đoàn bốc xếp ở quận 5 (TPHCM) đã có mặt đông đủ tại chợ An Đông để chuyển từng bao hàng lên xe. Làm việc cùng nhau qua một thời gian, các đoàn viên phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và chỉ chốc lát, hàng trăm bao hàng đã được vận chuyển hết.

Sau gần 2 giờ làm việc, khi hàng hóa vơi bớt, anh Võ Văn Lỳ (48 tuổi) ngồi ăn sáng, kể về năm tháng ngồi chờ việc khi chưa vào tổ chức nghiệp đoàn...

Ổn định cuộc sống

Vì gia đình khó khăn, anh Lỳ phải bỏ học giữa chừng rồi rơi vào cảnh không nghề nghiệp ổn định, bữa đói bữa no. Cuộc sống khó khăn, đến chỗ ở, gia đình anh phải ở ghép với gia đình người quen. Nhà chật mà người thì đông nên tối đến anh phải ngủ ở chợ. Thấy hoàn cảnh khó khăn, một người bạn giới thiệu anh tham gia Nghiệp đoàn bốc xếp. Từ đó mà cuộc sống của anh trở nên tươi sáng hơn.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu tặng quà, lì xì đoàn viên các nghiệp đoàn

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu tặng quà, lì xì đoàn viên các nghiệp đoàn

Vào Nghiệp đoàn bốc xếp, công việc của anh Lỳ ổn định hơn, không như trước ai kêu đâu làm đó. Đều đặn mỗi ngày, anh và các anh em bắt đầu công việc từ 7 giờ đến 15 giờ 30, thu nhập 300.000 đến 400.000 đồng. Với thu nhập này, anh cân đối chăm lo cho các con ăn học, không còn phải thấp thỏm lo từng ngày như trước.

Với ông Võ Anh Kiệt, 60 tuổi, Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định (quận 1) đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Tham gia nghiệp đoàn đến nay đã 12 năm, nghiệp đoàn đã giúp ông có cuộc sống ổn định hơn. Khi tham gia nghiệp đoàn, các đoàn viên được phân chia địa bàn hoạt động, không còn cảnh tranh giành địa bàn như trước đây. Thời gian qua, khi xe ôm công nghệ phát triển mạnh mẽ, những người chạy xe ôm truyền thống như ông Kiệt vô cùng chật vật. Không chạy xe chở khách được nhiều như trước, ông Kiệt chuyển qua giao hàng, giao trái cây cho các tiểu thương tại chợ Tân Định (quận 1).

“Tiểu thương thấy chiếc áo này thì yên tâm hơn khi đưa hàng cho mình đi giao rồi thu tiền mang về cho họ. Giao được vài lần rồi thành mối, giờ cứ có hàng là người ta gọi mình”, ông Kiệt chỉ vào chiếc áo có thêu dòng chữ Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định, nói. Tương tự Nghiệp đoàn bốc xếp ở quận 5, Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định cũng có nhiều chính sách chăm lo cho đoàn viên như hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe máy... Mỗi khi đau ốm, các đoàn viên đều được nghiệp đoàn thăm hỏi, hỗ trợ. Tết năm nay, đoàn viên của nghiệp đoàn được trao hỗ trợ 500.000 đồng cùng phần quà trị giá 200.000 đồng.

Anh Võ Văn Lỳ chia sẻ thêm, vào nghiệp đoàn, anh còn được hưởng thêm nhiều quyền lợi khác. Dịp tết vừa qua, anh và các đoàn viên của nghiệp đoàn nhận 11-12 triệu đồng/người ăn tết. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 5 cũng hỗ trợ phần quà trị giá 700.000 đồng/đoàn viên của nghiệp đoàn.

LĐLĐ TPHCM đã phối hợp Bảo hiểm xã hội TPHCM và các đơn vị mạnh thường quân trao tặng thẻ BHXH, BHYT cho đoàn viên khu vực phi chính thức, giúp đoàn viên nghiệp đoàn ổn định cuộc sống, an tâm hơn. Dịp Xuân Quý Mão 2023, LĐLĐ TPHCM đã chăm lo khoảng 3.000 đoàn viên khó khăn ở các nghiệp đoàn. Công đoàn cơ sở cấp trên trực tiếp ở các địa phương cũng rất quan tâm và chăm lo hỗ trợ.

Tập hợp, chăm lo lao động khu vực phi chính thức

Tại chương trình họp mặt đón Xuân Quý Mão 2023 cho đoàn viên đang sinh hoạt tại các nghiệp đoàn, bà Trần Thị Hạnh, đoàn viên nghiệp đoàn bán vé số (ngụ quận Bình Tân) vô cùng xúc động. Từ khi ở quê Quảng Ngãi vào TPHCM bán vé số, cuộc sống của bà Hạnh rất bấp bênh. Hơn 1 năm trước, bà gia nhập nghiệp đoàn bán vé số, cũng từ đó, thu nhập của bà được cải thiện nhờ việc phân chia địa bàn đi bán, các đoàn viên khác thấy bà lớn tuổi cũng hỗ trợ bà rất nhiều. Những lúc bà ốm đau, không thể đi bán, các thành viên nghiệp đoàn lại đến thăm hỏi, hỗ trợ bà. Những dịp lễ tết, bà cũng được nhận các phần quà chăm lo từ tổ chức công đoàn và lãnh đạo thành phố. Bà thấy ấm lòng hơn nhờ những sự chăm lo này.

Toàn TPHCM hiện có 147 nghiệp đoàn và phân theo ngành nghề như xe công nghệ, xe ôm truyền thống, rác dân lập, làm móng, chăm sóc sắc đẹp, bán vé số, giữ trẻ, sửa chữa ô tô. Nếu như trước đây, chỉ có vài nghiệp đoàn được thành lập thì giai đoạn 2018-2023, việc tập hợp đoàn viên, người lao động ở khu vực phi chính thức được mở rộng; các nghiệp đoàn được thành lập với đa dạng ngành nghề, thu hút được đông đảo người lao động tự do gia nhập. Các nghiệp đoàn được hình thành nhằm tập hợp người lao động khu vực phi chính thức để bảo vệ, chăm lo và định hướng hoạt động, nâng cao tay nghề cho đoàn viên cũng như liên kết để nâng tầm ngành nghề. Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, đầu nhiệm kỳ 2018-2023, nghiệp đoàn khu vực phi chính thức chỉ có khoảng 1.500 đoàn viên, đến nay đã tăng lên gấp 5 lần với đa dạng ngành nghề.

Chia sẻ thêm, bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận 5, cho biết, LĐLĐ quận 5 đang quản lý 11 nghiệp đoàn. Bên cạnh tổ chức các chương trình giúp đoàn viên nâng cao tay nghề, tổ chức công đoàn tại quận 5 còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các trường hợp khó khăn, ốm đau cũng như hỗ trợ pháp lý khi đoàn viên cần sự trợ giúp. Thấy được vai trò của tổ chức công đoàn, người lao động tự do tham gia tổ chức công đoàn ngày càng đông và cuộc sống dần đi vào ổn định.

Bà Lê Thị Kim Thúy cho biết, thời gian tới, LĐLĐ TPHCM dự kiến tổ chức nhiều chương trình tập huấn, tạo điều kiện để đoàn viên nghiệp đoàn rèn luyện nâng cao tay nghề; được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau. “Với việc thành lập các nghiệp đoàn, tổ chức công đoàn thành phố mong muốn người lao động khu vực phi chính thức xem nơi này là điểm tựa khi họ gặp khó khăn. Đây cũng sẽ là nơi giúp họ ổn định công việc mưu sinh, hỗ trợ các vấn đề về pháp lý”, bà Lê Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Tổ chức công đoàn xác định, nơi nào có người lao động, nơi đó tổ chức công đoàn sẽ tuyên truyền vận động để họ đến với tổ chức. Chúng tôi mong muốn nghiệp đoàn sẽ là chỗ dựa để lao động tự do thấy được sự quan tâm, bình đẳng xã hội. Từ đó giúp đoàn viên khu vực này tự tin hơn. Thời gian tới, Tổ chức tài chính vi mô (CEP) sẽ mở nhiều gói chăm sóc, quan tâm người lao động khu vực phi chính thức như hỗ trợ thêm vốn để họ cải thiện cuộc sống và nâng cao tay nghề

Bà LÊ THỊ KIM THÚY, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM

Tin cùng chuyên mục