Ngày 30-6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đã đến kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Cao Bằng.
Theo ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng, công tác chấm thi được triển khai từ chiều 27-6, ngay sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 kết thúc.
Theo đó, toàn bộ bài thi được chuyển về khu vực chấm thi và bộ phận làm phách làm việc. Sáng 29-6, 48 giáo viên chấm thi môn Ngữ văn được triệu tập để quán triệt quy chế và hướng dẫn chấm thi. Sở cũng chấm chung 10 bài để thống nhất quan điểm và cách chấm thi. Trong đó, đã có bài thi đạt điểm 8 nhưng cũng có bài điểm 4, 5, 6. Bắt đầu từ sáng 30-6, các giám khảo bắt đầu chấm thi. Tất cả các khâu đều được thực hiện theo đúng quy trình, quy chế. Khu vực chấm thi đều có thanh tra, giám sát và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối.
Hiện nay, các địa phương đều đang dồn sức chấm bài thi THPT quốc gia 2018. Dự kiến khoảng ngày 4 và 5-7 sẽ hoàn tất.
Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, thí sinh có 10 ngày để phúc khảo bài thi THPT quốc gia, tính từ khi công bố điểm thi. Nơi nhận đơn phúc khảo là trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi. Mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh.
Bộ GD-ĐT cho hay thực tế 4 năm qua, hầu như không có trường hợp bài thi trắc nghiệm nào mà chấm phúc khảo xong phải thay đổi kết quả thi. Điều này cho thấy, chúng ta có thể yên tâm việc chấm thi trắc nghiệm. Sau khi chấm thi xong, các địa phương sẽ tập trung đối chiếu kết quả để công bố điểm thi đúng kế hoạch vào ngày 11-7.
Năm nay, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều ý kiến cho rằng đề thi năm nay quá khó, nhất là môn Toán, nhiều ý kiến nói đề Toán khó đến mức nhiều giáo sư còn không làm được.
Theo ông Mai Văn Trinh, vì kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ nên đề thi có khoảng 60% câu hỏi xét tốt nghiệp THPT, 40% câu hỏi nâng cao dần, có tính chất phân hóa cao hơn để phục vụ mục tiêu xét tuyển ĐH-CĐ. Sự phân hóa này là cần thiết, phù hợp với sự đa dạng trong tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ, đặc biệt phù hợp với phương thức tuyển sinh mang tính cạnh tranh, khi quy mô của các trường chưa thể đáp ứng. Về dự đoán kết quả kỳ thi năm nay, qua phân tích của đề thi, độ phân hóa tốt hơn 2017 nên điểm thi chắc chắn sẽ không cao hơn năm 2017.
Tuy Bộ GD-ĐT giải thích như vậy nhưng nhiều ý kiến chuyên gia vẫn đang nêu quan điểm nên bỏ thi “2 trong 1” như hiện nay. Nên để các sở GD-ĐT tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp, tự ra đề thi cho học sinh của địa phương. Trường nào thi tại trường đó, có thể giáo viên trường khác trông thi, Sở GD-ĐT giám sát, như vậy sẽ không gây áp lực và tốn kém. Còn với tuyển sinh ĐH-CĐ, nên để các trường tự tuyển.