Sẽ ít điểm 10
Nhận xét đề thi Toán, TS Phạm Hồng Danh, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn, nguyên giảng viên Khoa Toán - Thống kê ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng, đề thi môn Toán năm nay có 60% câu hỏi tương tự như đề thi minh họa. Những câu khó để phân loại học sinh khá giỏi giữa đề minh họa và đề chính thức khác nhau khá nhiều. Lời dẫn trong các câu khó khá phức tạp, dài dòng gây hoang mang cho thí sinh. Có những câu phải mất nhiều thời gian để khai thác các giả thiết. Thậm chí có những câu quá khó đến độ phi lý và vô nghĩa về mặt tư duy cũng như thực tế. Về phổ điểm, dự đoán có khoảng 70%-80% thí sinh đạt 3-7 điểm. Điểm 9, điểm 10 sẽ ít hơn so với năm trước.
Trong khi đó, bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) nhìn chung tương đối khó hơn so với năm 2023. Về môn Vật lý, thầy Lê Văn Quyển, giáo viên Trường THPT Hoa Lư (quận 12, TPHCM) nhận xét đề thi rất hay và vẫn là đề thi khó nhất trong tất cả các đề. 25 câu đầu tiên học sinh trung bình có thể làm được dễ dàng bằng việc áp dụng các công thức cơ bản trong sách giáo khoa. Từ câu 26 tới câu 31 dành cho học sinh khá. Từ câu 32 đến câu 40 dành cho học sinh giỏi và để làm những câu hỏi này, học sinh phải nắm rõ hiện tượng vật lý cũng như có kiến thức toán học vững vàng. Cũng giống như các môn khác, đề thi Vật lý cũng có những câu hỏi không nên ra dưới hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Về phổ điểm, dự đoán điểm thi năm nay tập trung nhiều ở mức 4-5 điểm. Số lượng điểm 6-7 sẽ tương đương với năm ngoái. Tuy nhiên điểm 9 và điểm 10 sẽ ít hơn năm 2023.
Theo giáo viên Đinh Thị Hoài và Lâm Thành Trung (dạy môn Khoa học tự nhiên của Trường THPT Vĩnh Viễn, quận Tân Phú, TPHCM), đề thi Sinh học và Hóa học sẽ có điểm tương đương năm 2023. Ở đề Sinh học, có khoảng 70% câu như đề minh họa và nhiều câu lạ khó, phân loại mạnh. Trong khi đó, đề thi Hóa học có 20 câu đầu rất nhẹ nhàng và dự đoán khoảng 50% bài thi đạt 5 điểm và khoảng 20% bài thi đạt điểm 9-10.
Theo giáo viên môn Giáo dục Công dân Nguyễn Thanh Hường (Trường THPT Tây Thạnh, TPHCM), nhìn chung các đề thi của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay có phần ổn định và độ phân hóa như năm 2023. Ví dụ môn Giáo dục Công dân, học sinh thuộc bài có thể dễ dàng đạt được điểm 8, điểm 9. Môn Lịch sử năm nay đề khá hay, thậm chí tương đối khó hơn năm trước và mức độ phân hóa cao. Trong đó, 30 câu đầu tương đối dễ, 10 câu cuối có mức độ phân hóa vận dụng cao và đòi hỏi học sinh phải tư duy, suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, điểm 10 môn Lịch sử năm nay sẽ hiếm.
Trong khi đó, cô Lê Thị Nguyệt Hồng (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Vĩnh Viễn), đánh giá, đề thi Ngữ Văn năm nay khá hay và dễ hơn các năm trước. Do đó, phổ điểm môn Ngữ văn năm nay sẽ cao hơn năm trước...
Điểm sàn xét tuyển sẽ không tăng
Từ thực tế độ phân hóa của 5 bài thi tốt nghiệp năm 2024 gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học), Bài thi Khoa học xã hội (Địa lý - Lịch sử - Giáo dục công dân), tiếng Anh, các chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm sàn xét tuyển của các trường sẽ tương đương năm 2023.
Theo TS Phạm Hồng Danh, với độ khó của đề Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, điểm sàn xét tuyển (điểm đủ điều kiện đăng ký xét tuyển) các tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) hay các tổ hợp có ít nhất 2 trong 4 môn này sẽ tương đương năm 2023. Tuy nhiên, điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) nhiều ngành sẽ ở mức tương đương hoặc giảm nhẹ. Khả năng điểm chuẩn tăng ở các tổ hợp có những môn thi này sẽ rất khó.
Trong khi đó, theo đại diện của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), những trường sử dụng tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) hay các tổ hợp có các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân điểm sàn và điểm chuẩn cũng ở mức tương đương năm 2023. Đề Ngữ văn được đánh giá là dễ nhưng bên cạnh đó đề Lịch sử được cho là khó nên tổng thể điểm chuẩn cũng dự báo tương đương và rất hiếm ngành có điểm cao hơn (trừ trường hợp đột biến khi ngành đó có nhiều thí sinh tập trung đăng ký).
Ở hai nhóm ngành sức khỏe và sư phạm, các chuyên gia cũng dự báo điểm sàn xét tuyển sẽ tương đương so với năm ngoái. Năm 2023, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn nhóm ngành sư phạm là 17 điểm (hệ cao đẳng) và 19 điểm (hệ đại học). Nhóm ngành sức khỏe cao nhất là 2 ngành Y khoa và Răng hàm mặt: 22,5 điểm; ngành Dược học và Y học cổ truyền: 21 điểm; các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học... 19 điểm.
Theo kế hoạch chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ GD-ĐT: Từ ngày 5 đến ngày 12-7, ban chấm thi của 63 sở GD-ĐT hoàn thành chấm thi trắc nghiệm và gửi đĩa CD về Bộ GD-ĐT; hoàn thành công tác chấm thi, gửi toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm và tự luận về Bộ GD-ĐT chậm nhất lúc 17 giờ ngày 14-7; lúc 8 giờ ngày 17-7, 63 sở GD-ĐT công bố điểm thi. Các sở GD-ĐT hoàn thành công tác xét tốt nghiệp chậm nhất vào ngày 19-7 và in - gửi giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp cho thí sinh hoàn thành vào ngày 23-7. Các sở GD-ĐT thu nhận đơn phúc khảo từ ngày 17 đến ngày 26-7 và hoàn thành chấm phúc khảo vào ngày 4-8.
Tất cả thí sinh tham gia xét tuyển đại học phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 của tất cả các phương thức trên hệ thống của Bộ GD-ĐT từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7. Trong thời gian này, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần.