Né xe rác!
Bên hông tòa cao ốc ở địa chỉ 432- 434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, lâu nay bị “chiếm dụng” làm một điểm trung chuyển rác. Các xe gom đầy rác nằm ngổn ngang trên vỉa hè, dưới lòng đường, nước từ thùng rác chảy xuống bốc mùi khó chịu cho người qua lại. Báo SGGP đã nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng vẫn chưa cải thiện. Mới đây, vào khung giờ gần trưa, có khoảng 6 chiếc xe đẩy rác nằm trên vỉa hè và dưới lòng đường với nhiều loại rác được các nhân viên vệ sinh bày ra để phân loại, trông rất nhếch nhác, ô nhiễm.

Gần ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Quốc Thảo (phường Xuân Hòa) cũng thường xuyên có 5-7 chiếc xe của đơn vị thu gom rác án ngữ. Anh Trần Văn Sơn, một người thường chạy xe ôm ở khu vực này, cho biết: “Tôi thấy người đi bộ qua khu vực này rất khó khăn, nhiều người vì né xe rác phải đi sát ra đường, nếu bất cẩn rất dễ té ngã. Nhìn những chiếc xe rác để ở đây thật phản cảm, mất mỹ quan đô thị”.
Còn tại đầu đường Nguyễn Du giao với Cách Mạng Tháng Tám (phường Bến Thành), thường có các xe rác đậu chiếm một phần lòng đường. Một nhân viên thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 cho biết, xe thu rác đậu tại đây để tiện cho việc vận chuyển đến nơi xử lý.
Ghi nhận tại ngã tư đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette (phường Bến Thành), có rất nhiều xe thu gom rác được tập kết. Các xe bám bùn đen sì, ngay cả rác sinh hoạt đã đưa lên xe chở đi nhưng vẫn còn vương vãi. Nhiều người dân ở đây cho biết, số lượng xe rác tập kết tại đây không chỉ gây cản trở việc lưu thông mà còn gây ô nhiễm môi trường, luôn bốc mùi hôi rất khó chịu.
Trong khi đó, trên đường Hàm Nghi (phường Sài Gòn) vào sáng 4-7, dọc tuyến có 2 điểm tập kết rác, mỗi điểm có 3-4 chiếc xe nằm trên vỉa hè, dưới lòng đường. Trưa cùng ngày, phóng viên liên lạc với UBND phường Sài Gòn phản ánh tình trạng xe gom rác lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên đường Hàm Nghi. Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo phường đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu đơn vị thu gom rác dọn dẹp đi nơi khác. Tuy nhiên, sáng 5-7, chúng tôi đến ghi nhận tại điểm này thì xe rác vẫn tập kết dưới lòng đường.
Thiếu quy hoạch bài bản
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Tâm, Chủ tịch UBND phường Vườn Lài, cho biết, phường ghi nhận phản ánh của Báo Sài Gòn Giải Phóng, và sẽ cho tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh. Tương tự, UBND phường Bàn Cờ cũng ghi nhận sự việc và sẽ kiểm tra xử lý.
Còn theo đại diện UBND phường Sài Gòn, phường sẽ chỉ đạo sắp xếp các xe rác gọn và vệ sinh thường xuyên sau ca làm việc, đảm bảo người dân đi bộ không bị cản trở. Đồng thời, phường cũng sẽ thường xuyên nhắc nhở đơn vị thu gom và tiếp nhận phản ánh của người dân để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý của chính quyền các phường là “nóng tay bắt tai”, quan trọng là quy hoạch căn cơ để bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, người dân không bỏ rác cùng một lúc, mỗi người bỏ mỗi khung giờ khác nhau nên xe thu gom rác (xe đẩy tay) phải đậu ở các tuyến đường. Thậm chí các nhân viên phải luôn túc trực để phục vụ thu gom rác phát sinh bất ngờ từ người dân.
Ông Nguyễn Minh Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10, cũng cho biết, do khu vực không có trạm trung chuyển rác nên việc lấy rác từ các hộ gia đình, chợ… được tập kết tại các điểm hẹn dọc một số tuyến đường và được chính quyền địa phương đồng ý.
“Việc để xe ở các vị trí này nhìn chung chưa phù hợp nhưng hiện công ty cũng không có quỹ đất để làm bãi đậu tập trung cho các xe. Giải pháp trong thời gian tới, đơn vị phải phụ thuộc vào quy hoạch của thành phố, địa phương”, ông Thông trần tình.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 3, giãi bày: “Công ty cũng đã đề xuất xin thử nghiệm được tận dụng một số điểm trên vỉa hè để xây dựng các điểm hẹn rác đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, trồng cây xanh cách ly, rào chắn, xây dựng hệ thống thoát nước… Thế nhưng dự án chưa được duyệt”.
PGS-TS Phùng Chí Sĩ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam:
Các quận trung tâm có đặc thù nhiều hẻm nhỏ, xe thu gom rác dạng lớn không vào được. Chính vì vậy, các đơn vị thu gom buộc phải dùng xe đẩy tay thu gom rác từ các hộ gia đình ra các điểm tập kết tạm. Các điểm tập kết này thường được địa phương cho phép. Nếu đơn vị thu gom đảm bảo vệ sinh môi trường cả trước và sau khi tập kết, vận chuyển rác thì có thể thông cảm được.
Tuy nhiên, nếu không đảm bảo vệ sinh môi trường thì cơ quan chức năng phải can thiệp xử lý. Trong khi đó, các hành vi lấn chiếm lòng lề đường làm chỗ đậu xe gom rác là không đúng quy định, cơ quan chức năng cần có giải pháp để xử lý.