Nhờ được cán bộ y tế thôn vận động, người dân đã đến Trạm y tế xã Gia Bắc lấy mẫu máu xét nghiệm bệnh sốt rét. Ảnh: SƠN CƯỜNG
Băng rừng vận động người dân khám bệnh
Trở về từ cuộc thi Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 khu vực Tây Nguyên, chị Sơao K’phia, nhân viên y tế thôn 5, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) lại tiếp tục công việc của mình, đó là vận động bà con trong thôn thực hiện phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa.
Chị K’phia tâm sự: “So với các cô chú đi trước, công việc của tụi em đã đỡ vất vả hơn nhờ bây giờ giao thông đi lại thuận tiện, không còn chia cắt và nhất là nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi”.
Với thâm niên hơn 20 năm công tác trong ngành y tế địa phương, bà Tô Thanh Thủy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong công tác vận động, chăm sóc y tế sức khỏe cho bà con ở thôn vùng sâu.
Bà Thủy nhớ lại: “Năm 1997, khi vùng Đầm Ròn (nay thuộc huyện Đam Rông) có dịch bệnh nhưng tuyến đường chính bị sạt lở nghiêm trọng, ô tô không vào được. Do mang theo nhiều trang thiết bị và cũng không thể vác bộ nên chúng tôi phải dùng xe U-oát (của Liên Xô cũ) đưa cán bộ, bác sĩ, thiết bị y tế xuống TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), sau đó đi tiếp ra tỉnh Khánh Hòa rồi ngược đèo lên tỉnh Đắk Lắk và trở lại đất Lâm Đồng với tổng lộ trình hơn 300km, trong khi nếu tính theo đường chim bay chỉ khoảng gần 20km”.
Theo bà Thủy, những chuyến đi như thế vẫn còn may mắn bởi ô tô có thể đi đến gần địa điểm chăm sóc y tế cho người dân. “Có những chuyến đi vào xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương), chúng tôi gần như phải… bò trên đường vì mưa làm đất bùn sình lầy, leo dốc trơn trượt. Vào đến xã rồi phải tới từng nhà tuyên truyền cách phòng ngừa dịch bệnh và do khi đó mỗi hộ sinh sống ở một ngọn đồi nên có khi cả buổi mới đến được 1 - 2 nhà. Những chuyến công tác như thế có khi kéo dài cả tháng”, bà Thủy tâm sự.
Khó khăn là thế, nhưng nhận thức của bà con dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe mới là trở ngại lớn nhất đối với nhân viên y tế thôn bản.
“Ngày đó, người dân có bệnh là gọi thầy cúng tới “giải độc”, đến khi nguy kịch rồi qua đời thì cho rằng đó là do ý trời đã định như thế”, y sĩ K’ Yêm, Phó trạm y tế xã Gia Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) nhớ lại. Ông K’ Yêm từng gắn bó 27 năm với ngành y; ban đầu ông làm công tác y tế tại xã Gia Bắc, nơi có hơn 90% người dân tộc thiểu số. Sau đó, ông được cử đi học rồi trở về làm việc tại Trạm y tế xã Gia Bắc. Là người địa phương nên ông hiểu rõ văn hóa, phong tục, tập quán của bà con mình. Dù vậy, phải mất nhiều năm kiên trì tuyên truyền, nhận thức của bà con mới được thay đổi.
“Tục mời thầy cúng dần được xóa bỏ; thay vào đó, có vấn đề gì về sức khỏe bà con đã biết tìm đến trạm y tế xã khám bệnh và nếu vấn đề chuyên môn vượt khả năng của trạm thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời”, ông K’ Yêm bộc bạch.
Cánh tay nối dài
Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 1.133 nhân viên y tế đang hoạt động tại 1.148 thôn, bản (chiếm tỷ lệ 98,7%). Phần lớn cán bộ y tế được tuyển chọn ngay tại địa phương nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc ngăn ngừa dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Theo bà Tô Thanh Thủy, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, cán bộ y tế thôn, bản được đào tạo các khóa từ 3 - 6 tháng (tương đương sơ cấp y tá), trang bị kiến thức chuyên môn như tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách phòng tránh bệnh dịch, chăm sóc sản phụ tại gia đình, vận động người dân trồng thuốc nam, giữ gìn vệ sinh trong ăn uống... Các trạm y tế xã hay trung tâm y tế huyện muốn thực hiện tốt kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân phải có hệ thống cán bộ y tế thôn tận tình với công việc.
“Dù mức hỗ trợ hàng tháng chỉ hơn 600.000 đồng/người nhưng cán bộ y tế thôn vẫn rất nhiệt tình truyền tải tới người dân những thông tin về y tế. Trước mỗi đợt tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hay khám chữa bệnh tại cộng đồng, các cán bộ y tế thôn sẽ tới từng nhà vận động người dân sắp xếp thời gian, công việc để tới địa điểm thăm khám. Từ những buổi khám bệnh này, nhiều trường hợp người dân mắc bệnh được phát hiện và chuyển lên tuyến trên chữa trị kịp thời”, bà Thủy cho biết.
Còn theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thành Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Di Linh, nhờ hệ thống cán bộ y tế cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân thường xuyên đến khám chữa bệnh hơn. Chính vì thế, thời gian gần đây, các trạm y tế xã được đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị như có 9/19 trạm y tế xã có máy siêu âm, 7/19 xã có máy đo điện tim, một số xã vùng sâu được trang bị máy thử đường huyết cho kết quả sớm... Nhờ đó, người dân được chăm sóc những bệnh cơ bản ngay tại xã chứ không phải di chuyển lên huyện, góp phần giảm tải cho các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên.
Lâm Đồng là địa phương vừa giành giải nhất tại cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 khu vực Tây Nguyên” do Bộ Y tế tổ chức vừa qua và sẽ cùng với tỉnh Gia Lai đại diện khu vực Tây Nguyên tham gia chung kết cuộc thi toàn quốc vào cuối năm nay.