Điểm sáng Việt Nam - Chủ động và linh hoạt chính sách

Tăng trưởng GDP khoảng 8% năm 2022, Việt Nam như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu gam màu xám. Thương hiệu của Việt Nam tăng mạnh, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD trong 2 năm qua. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Group đều đánh giá cao Việt Nam. Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Việt Nam có tiếp tục vượt dông bão để thực sự phục hồi, phát triển?
Điểm sáng Việt Nam - Chủ động và linh hoạt chính sách

Ra đời kịp thời và đúng thời điểm Nghị quyết 128/NQ-CP (về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19), Nghị quyết 43/QH15 (chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) đã tạo thắng lợi cho năm 2022. Bài học và kinh nghiệm về lo việc từ sớm từ xa này cần phải được tiếp tục áp dụng để đạt các mục tiêu đề ra năm 2023.

Phục hồi trong khó khăn

Trong năm 2021, Chính phủ có chuyển hướng chiến lược với các quyết định, biện pháp chưa có tiền lệ (điển hình là Nghị quyết 128/NQ-CP) đã xoay chuyển cục diện. Đến quý 4-2021, kinh tế phục hồi trở lại, GDP đạt 5,22%. “Kinh tế đã phục hồi theo hình chữ V. Mô hình phục hồi này cho thấy sức bật của nền kinh tế rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhớ lại. Trong quý 3-2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam bật lên mức 13,7% so cùng kỳ năm 2021 trong khi thế giới đã bước vào cuộc khủng hoảng và suy thoái mới, lạm phát tăng cao. “Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc”, đại diện Ngân hàng Thế giới bình luận. “Việt Nam lại một lần nữa nổi lên trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời tăng trưởng kinh tế thế giới”, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận xét.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng dần theo các quý. Các chỉ số vĩ mô cung, cầu, thị trường lao động và khu vực doanh nghiệp đều cải thiện. Trong khi đó, kinh tế thế giới bộc lộ trạng thái cực kỳ bất ổn: lạm phát leo thang, tăng trưởng kinh tế chậm lại tồi tệ hơn.

Phát huy nội lực, giải quyết các nút thắt

Nhìn lại năm 2022, ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bình Dương, phát biểu: “Sự ra đời kịp thời Nghị quyết 43/QH15 và ban hành đúng thời điểm Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời đã tạo đà cho thắng lợi của năm 2022. Bài học và kinh nghiệm về lo việc từ sớm từ xa này cần phải được tiếp tục áp dụng để đạt các mục tiêu năm 2023”.

Năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn do nền kinh tế có độ mở lớn nhưng với những kinh nghiệm, bài học về hoạch định chính sách và điều hành trong 3 năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ có sự định hướng đúng, lựa chọn chính sách tốt. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. “Ở một dự báo lạc quan, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn”, TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nói.

Còn theo ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới. Nhưng, để kinh tế phục hồi ổn định và tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần giải quyết ngay các nút thắt nội tại. Đó là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường các biện pháp an sinh xã hội.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) KRISTALINA GEORGIEVA:

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu, với mức tăng trưởng cao; nền kinh tế mở, năng động. Việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh sẽ đem lại động lực mới cho kinh tế Việt Nam.

Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam RAMLA KHALIDI:

Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn khá tươi sáng năm 2023. Rủi ro trong nước là từ thị trường tiền tệ và trái phiếu, bất động sản… Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác để có sự điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ANDREW JEFFRIES:

Với nền tảng vĩ mô vững chắc, sự ổn định chính trị, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành kinh tế và một cộng đồng doanh nghiệp rất năng động, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% trong năm 2023.

ANH PHƯƠNG - HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục