“Trong năm 2018, mục tiêu đặt ra là phải phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đúng nghĩa, phải có kế hoạch cụ thể, chọn một số điểm sáng để thúc đẩy những mô hình, sản phẩm điển hình. Đó sẽ là điểm nhấn, niềm tin cho các nhà khởi nghiệp nhìn vào, tránh theo phong trào”. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM Nguyễn Việt Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của sở này diễn ra vào cuối tuần qua.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, nét son hoạt động trong năm 2017 của Sở KH-CN TPHCM là các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH-CN, thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp.
Đáng chú ý là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ ĐMST và khởi nghiệp - WHISE 2017. Cũng trong năm qua, sở đã thực hiện các hoạt động kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn TP; xây dựng Quy chế phối hợp hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Đặc biệt xây dựng Đề án phát triển hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST với sự ra đời của không gian thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp TPHCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB).
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết: “SIHUB là đầu mối tiếp nhận các nguồn lực từ chương trình hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp của Nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế, chương trình hợp tác trong và ngoài nước. Sau đó giới thiệu, điều phối các nguồn lực để cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận và triển khai, trên cơ sở lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp nhất, làm tốt nhất, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực”. Có lẽ nhờ vậy mà từ khi ra đời SIHUB đã nhanh chóng trở thành “đại bản doanh” của cộng đồng khởi nghiệp.
Nhiều nhà khởi nghiệp trở thành “khách quen” và tìm được hàng trăm khách hàng cho dự án của mình. SIHUB cùng các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM đã hỗ trợ đắc lực cho các nhà khởi nghiệp trên phạm vi cả nước, với hơn 600 dự án khởi nghiệp đã nhận các hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Cùng với đó, 30 dự án được cấp kinh phí đầu tư gần 22,6 tỷ đồng thông qua Chương trình SpeedUp 2017.
Theo kế hoạch trong năm 2018, Sở KH-CN TPHCM xác định phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN.
Cụ thể sẽ đưa Quỹ phát triển KH-CN TP đi vào hoạt động; hoàn thành việc chuyển đổi 100% tổ chức KH-CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH-CN... Cùng với đó đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng KH-CN cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Dũng đánh giá đó là những phần việc giúp triển khai thành công các định hướng phát triển KH-CN chủ yếu và nâng cao tiềm lực KH-CN TP. Qua đó, ngành KH-CN TP có thêm điều kiện để hỗ trợ hoạt động ĐMST và khởi nghiệp hiệu quả, thiết thực hơn.
Song để đạt được phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, người đứng đầu ngành KH-CN của TPHCM yêu cầu các đơn vị chức năng, trực thuộc sở khi xây dựng nhiệm vụ cần có mục tiêu rõ ràng và phương hướng thực hiện cụ thể. Các hoạt động cần tập trung vào định hướng của TPHCM như thúc đẩy các chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng đô thị ĐMST.
Theo báo cáo tổng kết của Sở KH-CN TPHCM, năm 2017, sở đã triển khai được 367 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 94 đề tài, dự án được nghiệm thu với kết quả được ứng dụng đạt tỷ lệ 88,2%, tăng 1,13 lần so với năm 2016. 167 đề án, dự án ứng dụng KH-CN được triển khai tại các quận huyện để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của các phòng ban và đơn vị và 101 đề án, dự án ứng dụng KH-CN cho các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ hợp tác… đóng trên địa bàn quận huyện. Hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH-CN đã thực hiện thủ tục chuyển giao kết quả KH-CN đối với 6 công nghệ, thiết bị cho đơn vị chủ trì để thương mại hóa sản phẩm. Tổng trị giá thỏa thuận khoảng 3,864 tỷ đồng.