Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng cán bộ trẻ trong buổi gặp gỡ cán bộ nguồn quy hoạch. Ảnh: Việt Dũng
Săn lùng sinh viên giỏi
Phó Chủ tịch UBND phường 3 quận 6 Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1985) là một trường hợp trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của TP. Năm 2010, qua thông tin công khai ở phường, Tuấn xin vào thực tập tại UBND quận 6. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tuấn được chọn vào chương trình rồi được bố trí về Văn phòng UBND quận 6 công tác.
Nhiều sáng kiến phục vụ người dân tốt hơn
Sở Tư pháp TPHCM có 15 cán bộ được đào tạo từ chương trình này, trong đó có 2 trường hợp hiện là phó giám đốc sở, 6 cán bộ cấp trưởng phòng…
Sở Tư pháp cũng là đơn vị điển hình trong việc bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo, thường giao các cán bộ này tham mưu nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ quan trọng, phức tạp. Đặc biệt, đối với 7 cán bộ đào tạo toàn phần ở nước ngoài có trình độ ngoại ngữ tốt, am hiểu về pháp luật quốc tế thì được bố trí ở các mảng tư vấn pháp lý, để tham mưu UBND TP trong các vụ việc liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài hoặc tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế.
Đánh giá chung, đội ngũ cán bộ từ chương trình này có khả năng tư duy tốt, thể hiện sự nổi trội trong công tác. Từ đó, nhiều sáng kiến được hình thành, góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của người dân.
Tại đây, Tuấn có nhiều đóng góp tích cực, trong đó phải kể đến việc Tuấn và các đồng nghiệp cùng tham mưu, đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục tư pháp cho người dân. Đến giữa năm 2016, Tuấn được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND phường 3. Được giao phụ trách khối văn xã tại phường có đông đảo bà con người Hoa sinh sống với hoàn cảnh đa phần còn nhiều khó khăn, Tuấn tham gia chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở phường, từ 17,7% (cao nhất quận) xuống còn 5,56% hộ cận nghèo và xóa được hộ nghèo. Tuấn là một trong số 32 cán bộ thuộc chương trình quy hoạch cán bộ trẻ của quận.
Theo Bí thư Quận ủy quận 6 Lê Minh Tân, từ nhiều nhiệm kỳ qua, cấp ủy quận 6 luôn nhận thức quy hoạch cán bộ trẻ là công tác rất quan trọng nên đã có sự quan tâm, đầu tư lớn. Một trong những giải pháp khá hữu hiệu là không ngừng “săn lùng” sinh viên khá, giỏi qua việc tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên và nhân dân; niêm yết tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn sinh viên tại các cơ quan, đơn vị, trụ sở UBND phường, khu phố. Song song đó, quận thường xuyên theo dõi các công chức trẻ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu bổ sung vào chương trình.
“Đặc biệt, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo đưa nội dung thực hiện công tác phát hiện, tạo nguồn hiệu quả là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của cơ sở đảng”, đồng chí Lê Minh Tân cho biết.
Tương tự, ở huyện Nhà Bè, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lưu cho biết sau hơn 10 năm thực hiện công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ trẻ, Huyện ủy đã công nhận 87 cán bộ nguồn. Đến nay đã có 37 cán bộ, công chức được đề bạt, bổ nhiệm.
Cùng là khu vực ngoại thành, đặc biệt từ khi xã Tân Thông Hội được Trung ương chọn thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới (năm 2009), Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Củ Chi càng nhận thức sâu sắc hơn đến công tác tạo nguồn cán bộ.
“Đây là yếu tố tiên quyết đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Củ Chi Lê Thanh Phong nhớ lại.
Tính đến hết tháng 4-2018, huyện đã tiếp nhận 57 cán bộ trẻ có triển vọng phát triển tốt và đã bố trí 12 trường hợp giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Đánh giá chung về chương trình trên, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM khẳng định Thành ủy luôn quán triệt đến các tổ chức đảng việc phát hiện, tiến cử và bồi dưỡng, đào tạo sinh viên; cán bộ trẻ ưu tú; nhằm tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị. Hơn 10 năm qua, TPHCM đã xét đưa vào chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi đối với hơn 1.520 trường hợp là sinh viên (không quá 25 tuổi) có học lực khá, giỏi; cán bộ, công chức, viên chức (không quá 27 tuổi) có chiều hướng phát triển tốt.
Hiện nay chương trình còn khoảng 900 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác, trong đó có 424 cán bộ trẻ (47,16%) được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng ban các sở - ngành, quận - huyện, bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND phường - xã - thị trấn; 67 cán bộ tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở. Đặc biệt, có 7 cán bộ được bổ nhiệm các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và có người trở thành nguồn quy hoạch của Trung ương.
“Quả ngọt” từ chương trình
Từ nguồn cán bộ trẻ, Thành ủy TPHCM tiếp tục đề ra chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Việc lựa chọn ngành đào tạo tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, thương mại quốc tế, hành chính, khoa học công nghệ… Đến nay, chương trình đã cử đi đào tạo 87 tiến sĩ, 755 thạc sĩ, trong đó có gần 340 trường hợp được đào tạo ở nước ngoài.
“Quả ngọt” từ chương trình này đã mang lại gần 260 cán bộ có năng lực được bổ nhiệm làm trưởng, phó phòng sở - ngành, quận - huyện; khoảng 35 cán bộ được đề bạt chức danh lãnh đạo chủ chốt sở - ngành, quận - huyện... Đơn cử như Lâm Đình Thắng (sinh năm 1981, tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực tại Australia) là đại biểu Quốc hội, được Thành ủy điều động giữ chức vụ Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh.
Trên 90% có chiều hướng phát triển tốt
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, hàng năm có trên 90% cán bộ thuộc 2 chương trình trên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và có chiều hướng phát triển tốt. Nhiều cán bộ trẻ thể hiện được năng lực trong công tác, được bầu vào cấp ủy các cấp, được bổ nhiệm các chức danh chủ chốt, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, có 1 cán bộ là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 9 cán bộ là Thành ủy viên, gần 140 trường hợp tham gia Ban Thường vụ Quận ủy - Huyện ủy và cấp ủy cấp trên cơ sở …
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, cùng với chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ trẻ và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là cách làm đột phá của Thành ủy TPHCM, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Song mặt hạn chế là đội ngũ cán bộ nguồn quy hoạch trẻ ở các ngành khoa học - công nghệ mũi nhọn vẫn chưa đáp ứng so với kế hoạch.
Trước đó, Vũ Anh Khoa (sinh năm 1983) đã được UBND TP bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND quận 10. Anh Khoa cũng là một tấm gương được nhiều bạn trẻ nhắc đến, khi trúng cử vào Ban Thường vụ Quận ủy quận 10 ở tuổi 27 - là một trong những Quận ủy viên trẻ nhất TPHCM tại thời điểm đó. Vũ Anh Khoa tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế ở nước ngoài, nằm trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đợt đầu tiên của TPHCM. Về nước, Khoa trở thành cán bộ của Thành đoàn TPHCM. Không lâu sau, anh làm Bí thư Quận đoàn 10, rồi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kinh tế quận 10 ở tuổi 27; sau đó làm Bí thư Đảng ủy phường 11 (quận 10) rồi Phó Chủ tịch UBND quận 10 như hiện nay…
Cùng là “đồng môn” của chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tháng 4-2018, Nguyễn Quốc Dương (sinh năm 1978) được bổ sung vào Ban Thường vụ Quận ủy quận 6 nhiệm kỳ 2015-2020. Dương hiện là Bí thư Đảng ủy phường 2, quận 6. Hầu hết, những cán bộ của chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đều thể hiện năng lực tốt ở vị trí được phân công. Điển hình, trước khi về phường 2, Dương được phân công làm Bí thư Đảng ủy phường 5, quận 6 vào thời điểm phường “đội sổ” trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (lúc đó là Chỉ thị 03-CT/TW và hiện nay là Chỉ thị 05-CT/TW). Nhận nhiệm vụ, Dương chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện các giải pháp thiết lập trật tự kỷ cương, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và không được để người dân phải đến phường quá 2 lần đối với 1 hồ sơ vụ việc.
Đồng thời, tổ chức đối thoại định kỳ với người dân (thời điểm đó, TPHCM không tổ chức HĐND cấp phường)... Bên cạnh đó, khi phát hiện cán bộ ở phường có sai phạm thì dứt khoát xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm. Không lâu sau, phường 5 trở thành đơn vị điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sau này, được phân công về phường 2, Dương tiếp tục phát huy, cùng với cán bộ, công chức, viên chức của phường kéo giảm phạm pháp hình sự 48% so với năm 2016 và từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào…
Hay như Vũ Anh Khoa cũng để lại những dấu ấn rõ nét tại những nơi mình từng công tác. Đó là việc tham mưu cho quận giải quyết liên thông hồ sơ đăng ký kinh doanh và mã số thuế đối với hộ kinh doanh cá thể (khi công tác ở Phòng Kinh tế quận 10) hay chỉ đạo, vận động người dân tham gia lắp đặt camera an ninh ở tất cả các khu phố ở phường 11 (khi làm Bí thư Đảng ủy phường).
Trên cương vị mới, Khoa tiếp tục có giải pháp cụ thể, góp phần chấm dứt sự khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của quận. Đồng thời, Khoa cụ thể hóa cam kết về việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, hiện đại phục vụ người dân. Đến nay, quận đã xây được 3 nhà vệ sinh công cộng và tiếp tục tăng thêm số lượng mà ngân sách không phải tốn kinh phí cho việc xây dựng, sửa chữa hay vận hành…