Với 2/3 dân số dưới 30 tuổi đang phát triển kinh doanh, Saudi Arabia là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp ngoại đổ vốn đầu tư vào vương quốc này.
Báo cáo mới công bố của hãng thống kê Magnitt chuyên theo dõi các startup tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi cho thấy, từ tháng 1 đến 6-2020, các startup của Saudi Arabia thu hút khoản đầu tư kỷ lục lên đến 95 triệu USD, tăng 102% so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái và cao hơn đáng kể so với phần còn lại của khu vực.
Cũng theo báo cáo, 17 quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi ghi nhận tổng mức tăng 35% nguồn vốn đổ vào các startup trong nửa đầu năm 2020. Mặc dù toàn bộ khu vực Trung Đông - Bắc Phi có số thương vụ khởi nghiệp giảm 8% giai đoạn từ nửa đầu năm 2019 đến nửa đầu năm 2020 nhưng Saudi Arabia lại đi ngược xu hướng này với số thương vụ tăng 29%.
Đáng chú ý, số vốn đầu tư và số thương vụ khởi nghiệp tăng tại Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng đáng kể tới dòng tiền mặt và doanh thu của nhiều công ty. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng các danh mục của mình để thích ứng với tình hình mới, cả trên phương diện quy mô và lĩnh vực đầu tư.
Theo dữ liệu thu thập, thương mại điện tử chiếm đến 67% dòng vốn đầu tư vào startup ở quốc gia này. Trong số đó, nền tảng giao đồ ăn Jahez của Saudi Arabia là doanh nghiệp khởi nghiệp thành công nhất trên phương diện thu hút vốn đầu tư kể từ đầu năm đến nay, với tổng cộng 36,5 triệu USD.
Đứng vị trí số 2 là cửa hàng trực tuyến Nana và theo sau là startup về công nghệ giáo dục. Dữ liệu trên cho thấy, các startup công nghệ và thương mại điện tử chính là hai “điểm sáng” của khu vực khởi nghiệp khi các doanh nghiệp này biết tận dụng lợi thế dịch vụ của mình để giúp cuộc sống người dân trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Sự phát triển của thương mại điện tử đang được cho là phù hợp với một số mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành tài chính của Saudi, trong đó có kế hoạch tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến lên 70% vào năm 2030, so với mục tiêu năm 2020 là 28%.
Dòng vốn đầu tư đổ vào các công ty khởi nghiệp chính là tín hiệu tích cực cho sự phát triển tiềm năng của các ngành nghề startup ở Saudi Arabia. Đầu tư cho startup công nghệ được xem là một trong những chiến lược quan trọng trong việc đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia vốn phụ thuộc nhiều vào ngành khai thác dầu mỏ.
Kể từ khi giá dầu giảm mạnh hồi giữa năm 2014, Saudi Arabia đã thâm hụt ngân sách tới 313 tỷ USD và phải bù đắp bằng dự trữ quốc gia và đi vay. Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ngành công nghệ, nước này đã cam kết chi 45 tỷ USD cho các ngành công nghệ trong thời gian tới và hiện là cổ đông lớn nhất của quỹ đầu tư công nghệ trị giá 100 tỷ USD do Softbank (Nhật Bản) quản lý. Saudi Arabia cũng đã đưa ra chính sách cấp phép nhanh cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập hay đầu tư vào startup công nghệ tại nước này.