Năm 1991, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, trong đó chủ trương phát triển các thành phần kinh tế, mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác với nước ngoài làm hàng xuất khẩu là một hướng ưu tiên để phát triển và hiện đại hóa các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng. Nhằm thực hiện hướng đi mới này, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương thành lập khu chế xuất (KCX), và TPHCM được chọn để xây dựng mô hình thí điểm này.
“Tầm sư học đạo” xây dựng quy chế
Thật ra, trước khi được Trung ương giao thực hiện thí điểm KCX thì khoảng đầu năm 1987, các đồng chí lãnh đạo TPHCM đã bắt đầu nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế của nước ngoài, trong đó có mô hình KCX mà một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã bắt tay xây dựng thành công.
Đã 85 tuổi nhưng ông Nguyễn Long Trảo, nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM, nguyên Phó Giám đốc KCX Sài Gòn (gọi tắt là Sepzone), vẫn nhớ rất rõ những bước đi đầu tiên trên con đường thực hiện mô hình hoàn toàn mới để thu hút đầu tư nước ngoài.
Lúc bấy giờ, một trong những cái khó là chưa có văn bản pháp luật nào của Nhà nước quy định quyền lợi, nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài vào việc tham gia xây dựng KCX.
Dây chuyền sản xuất của Công ty FAPV (Nhật Bản) tại KCX Tân Thuận. Đây là một trong những công ty lớn nhất của KCX Tân Thuận với thời gian hoạt động đã 20 năm và quy mô gần 7.000 công nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Trảo kể lại: “Vào thời điểm ấy mới chỉ có Luật Đầu tư nước ngoài, nhưng luật này chưa đáp ứng được yêu cầu về pháp lý trong việc xây dựng KCX. Vì vậy, chúng tôi phải xây dựng quy định pháp lý về KCX để trình Chính phủ ban hành. Tôi nghĩ phải “tầm sư học đạo”, sang Đài Loan tìm hiểu, học hỏi. Để đỡ tốn chi phí, tôi đi ké với đoàn của Xí nghiệp Cầu Tre. Sang đến Đài Loan, một thân một mình, lại không được ai giới thiệu nên tôi không tự tiếp cận được với KCX. Tôi bất chợt nhớ đến một tiến sĩ người Đài Loan đã từng qua Việt Nam làm việc với chúng tôi, nên liên hệ. Ông tiến sĩ tốt bụng ấy cho tôi đến trú tạm ở nhà mình, nhường phòng ngủ cho tôi, còn mình thì mang chăn gối ra ngủ ở phòng khách. Sau đó, ông đích thân liên hệ KCX Đài Trung, phô tô các tài liệu về KCX trao tận tay tôi, bảo rằng đây là món quà trả lễ cho sự tiếp đãi ân cần của tôi lúc trước”.
Với những tư liệu có được, khi về nước, ông Trảo cùng các luật sư soạn thảo “Quy chế khu chế xuất”, thông qua Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng chờ một thời gian không thấy phúc đáp, ông ra Hà Nội, đến gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho biết mục đích chuyến đi là để xin Thủ tướng ký duyệt “Quy chế khu chế xuất”.
Ngay hôm sau, Thủ tướng vào Văn phòng Chính phủ xem hồ sơ và ký duyệt Nghị định 322-HĐBT ngày 18-10-1991, ban hành “Quy chế khu chế xuất”. Đây là chìa khóa pháp lý mở đầu cho việc thành lập các KCX trong cả nước.
Đầu tàu mô hình KCX của cả nước
Bắt tay thực hiện mô hình hoàn toàn mới, không có sách vở để áp dụng, là bài toán khó đối với TPHCM. Sau khi nghe ý kiến từ nhiều bên, Thành ủy TPHCM chủ trương triển khai việc xây dựng các KCX.
Ngày 25-11-1991, KCX Tân Thuận - KCX hoạt động đầu tiên của cả nước - được thành lập theo Quyết định số 394/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mở ra cánh cửa lớn thu hút các nhà đầu tư Đài Loan đến Việt Nam, tạo nên đợt đầu tư nước ngoài vào TPHCM và các vùng lân cận.
Thành công của KCX Tân Thuận và sau đó là KCX Linh Trung đã để lại dấu ấn sâu đậm, mở đường cho TPHCM tiếp tục thành lập nhiều KCX khác. Các KCX của TPHCM được hình thành nhằm thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ thể hiện trên các nhiệm vụ: Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của thành phố phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành. Từ sự thành công này, TPHCM đã xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) ven thành phố, tạo mô hình phát triển các KCN ở các tỉnh, thành cả nước. Đến nay, TPHCM đã xây dựng 17 KCX, KCN.
Với việc xây dựng thành công KCX, TPHCM là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện mô hình mới mẻ và hiệu quả, là đầu tàu cho các tỉnh, thành khác học tập kinh nghiệm. Nhằm tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các KCX và KCN của TPHCM cũng mạnh dạn thực hiện cải cách hành chính trong thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, TPHCM là nơi đầu tiên áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ”, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của các dự án đầu tư trong KCX, KCN chỉ bằng 1/3 so với thực hiện ngoài KCX, KCN. Mô hình này được nhân rộng áp dụng cho các ban quản lý KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Cái lợi của Việt Nam khi thành lập KCX là giải quyết công ăn việc làm, huấn luyện tay nghề cho đội ngũ công nhân, do phía nước ngoài có máy móc hiện đại hơn và đòi hỏi quy trình sản xuất cao hơn, thu được một phần ngoại tệ từ tiền thuế đất và tiền điện, tiền nước. Và cái lợi lớn nhất là sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài được gắn mác “Made in Vietnam”, biểu thị dù nhà máy của nước ngoài nhưng hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, làm theo tiêu chuẩn của thế giới và được bán trên khắp thế giới. Đây là cách tiếp thị cho nền sản xuất Việt Nam rất hiệu quả”, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh KCX Tân Thuận, giải thích về lý do chọn triển khai đề án KCX.