Điểm sáng đào tạo ngành Việt Nam học

Ngành Việt Nam học hiện không chỉ thu hút nhiều sinh viên, học viên nước ngoài đến Việt Nam để học mà còn được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Khoa Việt Nam học của Trường Đại học (ĐH) Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đang là một điểm sáng về đào tạo Tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam. 

Học Tiếng Việt để kết bạn bốn phương

GS Hiroki Tahara, Trường ĐH Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản), là thế hệ sinh viên đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (tiền thân của Khoa Việt Nam học), chia sẻ: “Tôi bắt đầu học Tiếng Việt từ năm 1991. Sau 3 học kỳ tại Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo, tôi qua Việt Nam và chính thức vào học Tiếng Việt ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á. Sau đó, tôi làm việc ở Trường ĐH Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương khi trường thành lập vào năm 2000. Tại đây, trường đã đào tạo khoảng 750 sinh viên học Tiếng Việt đến từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Mexico…”. Với kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp được học tại Khoa Việt Nam học, GS Hiroki Tahara đã làm việc ở ngành ngoại giao với vai trò là Tùy viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng học trò của mình đi lên Tây Nguyên làm từ thiện, đóng góp trong việc học tiếng Việt của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. “Nhờ có tiếng Việt, tôi đã kết bạn bốn phương, đặc biệt là quý anh chị em gốc Việt tại miền Nam California. Tiếng Việt là một phần máu thịt của tôi”, GS Hiroki Tahara tâm sự.

Điểm sáng đào tạo ngành Việt Nam học ảnh 1 Sinh viên nước ngoài trong giờ học Tiếng Việt  tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM
Còn Apichit Mingwongtham, một người Thái Lan khiếm thị, hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Việt Nam học, đã nhận 2 giải thưởng: Giải bài viết được yêu thích nhất dành cho tác giả là người nước ngoài và giải nhất phần thi “Thư Việt Nam 2019”. Trong bài dự thi, Apichit kể về hành trình gian khó anh tìm đến Việt Nam để học tiếng Việt khiến nhiều người xúc động và trân trọng. 


PGS-TS Lê Giang, Trưởng Khoa Việt Nam học, cho biết về đào tạo chính quy hiện nay khoa có 257 sinh viên nước ngoài đang theo học. Trong đó, nhiều nhất là sinh viên Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… Hệ cao học có 64 học viên (12 học viên nước ngoài). Về giảng dạy Tiếng Việt ngắn hạn, số học viên liên tục tăng cao. Tính từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2019 có gần 7.000 lượt học viên. Ngoài ra, khoa còn hợp đồng với Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, kết hợp với tổ chức KOICA (Hàn Quốc), Hiệp hội Xúc tiến thương mại đầu tư Đài Loan, nhiều trường ĐH của Hàn Quốc, Nhật Bản, các công ty… đào tạo các lớp chuyên đề về văn hóa và Tiếng Việt ngắn hạn.

Nâng cao vị thế của Việt Nam

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng Việt Nam có vị trí quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đường lối đối ngoại chủ động, đa phương và coi trọng các dòng đầu tư kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ. Từng có thời gian hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp trong mắt một bộ phận bạn bè thế giới chưa đầy đủ, còn phiến diện, nên đòi hỏi đất nước phải có những giải pháp để quảng bá lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội Việt Nam rộng rãi hơn. Mặt khác, khi các doanh nghiệp toàn cầu đến Việt Nam đầu tư, đòi hỏi phải có những chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam để các chuyên gia có thể thấu hiểu về Việt Nam, giúp cho quá trình điều hành công việc ở Việt Nam trở nên tốt hơn. Do vậy, cần phải có những chương trình đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử… cho bạn bè thế giới đến Việt Nam. Khi được học, họ sẽ ứng dụng vào quá trình giao tiếp với đối tác, nhân viên, người dân Việt Nam và chính họ sẽ giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, năng động và nhiều bản sắc văn hóa đến người thân, đến người dân ở đất nước họ. 

Theo PGS-TS Phan Thị Yến Tuyết, Khoa Việt Nam học, hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt đang sống tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Về mặt học thuật, việc giảng dạy, nghiên cứu Tiếng Việt và Việt Nam học trên thế giới bao hàm nhiều sắc thái về lịch sử, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước đây, do tình hình chiến tranh, rất nhiều quốc gia liên quan đến Việt Nam đều có nhu cầu giảng dạy, học và nghiên cứu về Việt Nam. Còn hiện nay, về phát triển kinh tế, Việt Nam thu hút khá nhiều quốc gia đến đầu tư, nên nhu cầu học Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ngày càng tăng cao. Rất nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Pháp, Đức… cũng giảng dạy và nghiên cứu về Việt Nam từ rất lâu. Hàng trăm quốc gia đến với Việt Nam vì vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh, chính trị ổn định, thị trường đông dân, xã hội giàu tiềm năng.

Việt Nam học là khoa học liên ngành nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam dựa trên những yếu tố của từng chuyên ngành như địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, xã hội… Học và nghiên cứu ngành học này đem lại sự hiểu biết toàn diện về Việt Nam để phục vụ cho xây dựng, phát triển Tổ quốc, đồng thời tăng cường khả năng giao lưu và hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa. 

Tin cùng chuyên mục