Bổ sung nguyên tắc công khai trả lương cho người lao động
Bộ luật Lao động 2019 có nhiều nội dung mới nổi bật, đặc biệt là mở rộng cơ hội đàm phán về tiền lương ngừng việc từ nguyên nhân khách quan; việc tạm ứng tiền lương, tiền thưởng và cách chi thưởng… được thiết kế hợp lý và sát thực tế hơn.
Về nguyên tắc trả lương, Bộ luật đã bổ sung nguyên tắc công khai trả lương cho người lao động: Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nội dung và tiền bị khấu trừ (nếu có).
Đối với tiền lương ngừng việc, khác với Bộ luật 2012, Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định rõ hơn về lộ trình thời gian chi trả lương ngừng việc do nguyên nhân khách quan; theo đó trong 14 ngày làm việc đầu tiên, lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu. Từ ngày thứ 15 trở đi thì mức chi trả do hai bên thỏa thuận.
Điểm mới đáng lưu ý khác là người lao động được tạm ứng tiền lương để thực hiện nghĩa vụ công dân theo điều kiện do 2 bên thoả thuận và không bị tính lãi (nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng).
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
Hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND)
Theo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020, để trở thành đại biểu Quốc hội, bên cạnh 5 điều kiện hiện nay (là trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; Có phẩm chất đạo đức tốt; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành pháp luật; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội…), ứng cử viên phải đáp ứng thêm 1 điều kiện nữa là phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải chiếm ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội (tăng 5% so với tỷ lệ hiện hành là 35%). Nguyên tắc hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được xác định rõ là làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Luật cũng quy định hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán
Theo Luật Chứng khoán 2019, từ 1-1-2021, có thêm nhiều hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đơn cử như: sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán cũng là hành vi phạm Luật.
Giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố
Trong số những nội dung đáng chú ý của Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1 Điều 2).
Luật cũng đã bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp. Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì được cấp thẻ giám định viên tư pháp. Người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ ban hành thống nhất mẫu thẻ giám định viên tư pháp (Khoản 4 Điều 9).
Bên cạnh đó, Viện KSND tối cao có thêm phòng giám định kỹ thuật hình sự. Theo quy định mới thì các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự sẽ bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao. Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao là phòng được quy định mới tại Luật này, thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. (Khoản 8 Điều 1).
Điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp cũng được mở rộng hơn. Theo đó, giám định viên tư pháp cần có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 5 năm trở lên trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng (Khoản 9 Điều 1).
Một quy định hoàn toàn mới nữa được bổ sung, theo đó, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc giám định bắt buộc về tố tụng hình sự tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì tối đa là 4 tháng.
Đáng lưu ý, để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, Điều 32 Luật 2020 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định. Bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định.
Bảy nguyên tắc để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên
Luật Thanh niên 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên vì thanh niên cũng là công dân Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp quy định. Thay vào đó, Luật quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của thanh niên khi khẳng định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bảy nguyên tắc để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên cũng đã được nêu rõ, theo đó không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên.
Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của hiến pháp và pháp luật. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Luật cũng lần đầu tiên quy định Tháng Thanh niên là vào tháng 3 hàng năm.
Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Theo Luật Đầu tư 2020, kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị cấm. Số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm còn 227. Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư; hình thức ưu đãi đầu tư.
Luật cũng thiết kế nhiều điểm mới về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt và giao trách nhiệm cho Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.