Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện TPHCM được kỳ vọng sẽ là động lực mới để TPHCM tăng tốc phát triển, thúc đẩy mạnh hơn quá trình hội nhập toàn cầu của thành phố. Trung tâm được định hướng không chỉ là một trung tâm dịch vụ tài chính cho TPHCM mà còn là điểm hội tụ dòng vốn quốc tế, kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng hơn là toàn quốc.
TPHCM đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, 12 nhóm nhiệm vụ tăng trưởng được đề ra theo Chỉ thị 19 của UBND TPHCM. Để đạt mức tăng trưởng 10%, thành phố cần huy động khoảng 600.000 tỷ đồng, trong đó 100.000 tỷ đồng là vốn đầu tư công và 500.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn xã hội. Đây là một con số lớn, đòi hỏi sự kết hợp giữa các nguồn lực công và tư, cùng với hiệu quả sử dụng vốn. Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM là một giải pháp quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của thành phố mà còn đóng vai trò dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam và TPHCM.
Thông qua việc hình thành các cơ chế ưu đãi, các công cụ tài chính hiện đại như sàn giao dịch phái sinh, giao dịch hàng hóa và thị trường vốn xanh, Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện TPHCM không chỉ đảm bảo dòng vốn ổn định cho các dự án lớn mà còn góp phần cải thiện chất lượng nguồn vốn, hướng đến phát triển các lĩnh vực trọng điểm của TPHCM và cả nước một cách bền vững.
Một trong những nội dung lớn nhất của việc phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện là xây dựng cho được cơ chế, chính sách vượt trội. TPHCM đã đề xuất một nghị quyết đặc thù, tương tự như Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho trung tâm này. Các chính sách đặc thù bao gồm ưu đãi thuế, miễn giảm chi phí thuê đất và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), bảo hiểm, kiểm toán. Việc khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo nghị quyết này được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào giữa năm 2025, giảm thiểu độ trễ trong triển khai là một yêu cầu rất quan trọng mà thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện. Khi đó, sự đồng bộ trong việc xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách sẽ tạo điều kiện cho Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện TPHCM đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả từ năm 2026 trở về sau. Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đảm bảo tiến độ và chất lượng triển khai.
Theo Kết luận số 47-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, ranh giới Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM được xác định là khu vực trung tâm hiện hữu quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Đây là hai khu vực có lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng cơ bản, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển trung tâm tài chính. Tuy nhiên, việc triển khai nhanh chóng các dự án đấu giá, đấu thầu đất công tại Thủ Thiêm là điều cần thiết để đảm bảo tiến độ xây dựng hạ tầng.
Thành phố cũng cần tiếp tục chọn lọc, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công như Thượng Hải (Trung Quốc) hay Singapore, nơi hệ sinh thái tài chính không chỉ bao gồm các tòa nhà văn phòng mà còn tích hợp các tiện ích như khách sạn, khu căn hộ cao cấp và các dịch vụ phụ trợ. Nét riêng từ các trung tâm tài chính lớn cho thấy, một trung tâm tài chính không chỉ bao gồm các tòa nhà văn phòng mà còn là hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng, kết hợp với khách sạn, khu dân cư cao cấp và các tiện ích xã hội khác...
Chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng hôm nay, tại TPHCM diễn ra Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, là một dấu mốc đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa lớn với thành phố. Bởi đây là một trong những quyết sách chính trị lớn Trung ương tin tưởng trao gửi để chuẩn bị cho thành phố mang tên Bác cùng với cả nước mạnh mẽ bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.