1. Giàu bảo cảm nhận đầu tiên khi đến với Áo dài Exhibition (tầng 2, Saigon House, 77 đường Nguyễn Huệ, quận 1) là một không khí rất truyền thống, từ không gian lễ tân đến không gian trưng bày. Tất cả các chi tiết như bàn, ghế, khăn, bình trà… đều được bày biện chăm chút.
“Các bộ sưu tập áo dài được trưng bày thể hiện sự tinh tế, kỳ công, đặc sắc. Mà hơn hết, luôn có câu chuyện đằng sau mỗi chiếc áo. Giữa những ồn ào, tấp nập, bảo tàng thu nhỏ này là một không gian yên bình, lắng đọng, xứng đáng để dành thời gian trải nghiệm”, Ngọc Giàu chia sẻ.
Giống như Giàu, Trần Thái An (sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM) cho rằng, Áo dài Exhibition là một không gian đặc biệt, gần gũi, cần được biết đến nhiều hơn. Thái An kể, trước đây bạn từng nghĩ bảo tàng chỉ trưng bày các hiện vật, bộ sưu tập rồi thôi, nhưng với Áo dài Exhibition lại rất khác. Bảo tàng thường xuyên tổ chức các sự kiện, tọa đàm, trình diễn song song trưng bày hiện vật, các bộ sưu tập và đặc biệt gắn kết, lan tỏa tới du khách, người trẻ. “Dù là người trẻ, hiện đại, em nghĩ có rất nhiều bạn vẫn yêu những gì thuộc về truyền thống, cảm nhận được giá trị của văn hóa”, Thái An nói.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cho biết, đã phụ trách Áo dài Exhibition từ năm 2018 và đây là địa điểm được khá nhiều người quan tâm. Thời gian qua, Áo dài Exhibition đã tổ chức khá nhiều chương trình thú vị với mục tiêu góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa con người Việt Nam như: lễ tiếp nhận áo dài quý của các trí thức, bác sĩ, nghệ sĩ; giao lưu đờn ca tài tử, quan họ, ví giặm… Bà Ngọc Vân bày tỏ: “Không gian này trước giờ rất gần gũi với sinh viên một số trường đại học. Điều tôi mong muốn là không gian này ngày càng đủ gần để tiếp cận các bạn trẻ nhiều hơn”.
2. Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM từ lâu luôn được xem là điểm hẹn của thanh xuân, của tuổi trẻ, là nơi chắp cánh bao thế hệ thanh niên từ sau năm 1975 đến nay.
Bên cạnh các câu lạc bộ, lớp học năng khiếu, kỹ năng truyền thống, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM tạo điều kiện cho nhiều CLB mới, hoạt động sáng tạo được tổ chức tạo nên nhiều điều mới mẻ. CLB Hài độc thoại là một ví dụ. Theo anh Trần Thanh Tùng, thành viên CLB Hài độc thoại, CLB ra mắt từ tháng 3-2021, với mục đích lan tỏa môn nghệ thuật này đến với học sinh, sinh viên. Đã có gần 20 show biểu diễn lớn nhỏ, gần 20 workshop hài độc thoại và hàng loạt chương trình luyện tập, biểu diễn cùng nhau để các bạn trẻ trải nghiệm.
“Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM là nơi phù hợp mang đến cho người trẻ những không gian sinh hoạt mới. Không gian này không hề cũ mà đây thực sự là thanh xuân nối tiếp. Nhìn nhận nhu cầu của giới trẻ, nhìn nhận dòng chảy của văn hóa, nhìn nhận cuộc sống đang thay đổi để hòa quyện nhẹ nhàng, tích cực thì các không gian văn hóa có thể cùng song hành với hơi thở thời đại, ngày càng gần gũi với giới trẻ”, anh Thanh Tùng chia sẻ.
3. Sau dịch bệnh, so với những loại hình nghệ thuật khác, hòa nhạc cổ điển tại TPHCM có sự nhập cuộc chậm hơn. Bên cạnh những không gian lớn như Nhà hát thành phố, đã và đang có những không gian nghệ thuật mới cho loại hình nghệ thuật này.
Ở nhiều tụ điểm âm nhạc, âm thanh của opera hay cổ điển đã vang lên gần gũi hơn với khán giả. Toong là một chuỗi không gian mới, vừa là nơi làm việc vừa là nơi tổ chức các đêm nhạc, trình diễn hòa nhạc gần gũi. Chuỗi đêm nhạc cổ điển The Recital: Thế Huy, Tenor hay các đêm nhạc cổ điển, hòa nhạc thính phòng nhỏ đã giúp khán giả đến gần hơn với nhạc cổ điển. Khi Thế Huy hát tại không gian này, anh không cần micro, bởi khoảng cách với khán giả rất gần. Anh có thể cảm nhận được cảm xúc của khán giả, tương tác cùng họ.
“Trước đây, nhiều người nghĩ hát nhạc cổ điển, thính phòng phải ở sân khấu lớn, lộng lẫy, nhưng tôi muốn âm nhạc cổ điển gần với khán giả hơn, mở ra những trải nghiệm âm nhạc gần gũi. Dù là âm nhạc hàn lâm vẫn có thể không quá cầu kỳ trong một không gian cởi mở, tạo cảm hứng cho khán giả và chính nghệ sĩ”, ca sĩ Thế Huy chia sẻ.
Những không gian văn hóa mới, nỗ lực làm mới từ nền tảng cũ hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến của nhiều người đam mê nghệ thuật thời gian tới.