Giấc mơ dài mang tên Leicester có lẽ đã đến hồi kết. Tứ kết Champions League với họ là quá đủ. Tất nhiên, sau kỳ tích năm ngoái, nhiều người bắt đầu yêu thích họ hơn, và khi đã yêu thích một đội bóng, người ta sẽ mong mỏi đội bóng ấy tiếp tục con đường chinh phục. Nhưng nếu vì bóng đá hấp dẫn thực sự, họ cần phải dừng lại, để nhường chỗ bán kết cho kẻ xứng đáng hơn: Atletico Madrid.
Khi Ranieri tuyên bố: “Có kẻ nào đó đã đâm sau lưng tôi”, điều đó càng khiến người ta tin hơn vào một cuộc lật đổ ở nội bộ Leicester. Bầy cáo đã không còn tin vào chiến lược gia đã đưa họ lên đỉnh cao, khi ông điều chỉnh lại lối chơi của Leicester, sau khi đội bóng có vài thay đổi lớn về nhân sự. Họ thất bại không phải vì sự thay đổi của Ranieri, mà vì chính họ không muốn chiến đấu. Và khi Ranieri nghỉ, để Shakespears lên tạm quyền, chính họ lên yêu cầu người HLV tạm quyền ấy cho họ chơi như mùa giải trước, một thứ bóng đá phòng ngự phản công thuần túy, với đội hình rất thấp, và chờ đợi những cú đột kích bất ngờ dựa trên tốc độ của Mahrez và Vardy.
Nhưng Vardy không phải lúc nào cũng nhanh, và phòng ngự phản công không phải là vũ khí tối thượng nữa. Phòng ngự phản công đã lạc hậu và đã từ quá lâu rồi, không một đội bóng chơi phòng ngự phản công nào lên ngôi ở Champions League. Đơn giản, bóng đá hiện đại phải tuân thủ một yếu quyết rất quan trọng: khả năng chuyển đổi thật nhanh.
Trận chung kết Champions League 2004 giữa Porto và Monaco chính là dấu mốc đầu tiên của yếu quyết kia. Rất nhiều người từng nói rằng lối đá mà Mourinho xây dựng chính là phòng ngự phản công. Và họ đã sai. Mourinho có thể từ chối triết lý kiểm soát bóng, bởi ông thích kiểm soát thế trận, và đợi đối thủ bộc lộ sai lầm nhưng ông không chủ trương phòng ngự phản công. Ông chủ trương khả năng chuyển đổi nhanh của đội hình, theo nguyên tắc mà chúng ta gọi là nguyên tắc bàn tay.
Hãy hình dung đội bóng là một bàn tay thì hình dạng của bàn tay ấy sẽ quyết định hình dạng của đội hình trên sân tùy theo tình thế. Khi mất bóng, hình dạng của đội hình như bàn tay nắm lại, các vị trí co lại gần nhau hơn, để bóp nghẹt mọi không gian thâm nhập của đối phương. Khi giành lại được bóng, đội bóng ấy phải lập tức như bàn tay xoè rộng ra, với nhiều phương án tỏa ra nhiều phía để phát động. Sự chuyển đổi giữa trạng thái nắm hay xòe tay đòi hỏi phải thật nhanh và chính xác. Và đội bóng của Mourinho, vì không ưa kiểm soát bóng, sẽ “nắm tay” nhiều hơn. Chính điều đó khiến họ tưởng rằng ông chủ trương phòng ngự phản công, một lối đá lỗi thời.
Và trong số các đội bóng có mặt ở tứ kết Champions League năm nay, duy nhất chỉ có Atletico là đội bóng chơi phòng ngự phản công đúng nghĩa. Các đội bóng khác như Monaco, Dortmund đều chơi tấn công, thứ tấn công cởi mở nên “bàn tay” xòe nhiều hơn là nắm lại. Và Dortmund, Monaco cũng là hai đội bóng chuyển đổi chậm chạp nhất trong số các đội bóng góp mặt ở tứ kết. Bởi vậy, vì họ gặp nhau nên chắc chắn 1 suất bán kết sẽ dành cho họ nhưng chung kết thì không. Đơn giản, đội bóng nào chuyển đổi nhanh, đội bóng ấy có cơ hội lớn hơn.
Các đội bóng chuyển đổi nhanh nhất giữa tấn công và phòng ngự ở thời điểm này trên toàn châu Âu chính là Barca, Bayern, Real, Chelsea và đặc biệt nhất là Atletico. Atletico có thể sẽ kiểm soát lối chơi nếu gặp đối thủ mạnh và có thể kiểm soát bóng nếu như đối thủ yếu hơn. Có thể nói, họ cùng Chelsea là 2 đội bóng chuyển đổi trạng thái xuất sắc nhất châu Âu mùa giải này.
Thành tích của Atletico mùa này có thể thua kém 2 mùa trước nhưng thực sự, họ đã già giơ hơn rất nhiều. Và Leicester không phải là đối thủ của họ, cả con người lẫn chiến thuật. Bởi vậy, dừng lại với Leicester lúc này là đúng lúc. Họ không có khả năng đi xa hơn, trừ phi, may mắn hoàn toàn đứng về phía họ.
Hà Quang Minh