Ùn tắc như cơm bữa
Thời gian ùn ứ thường xảy ra vào buổi chiều, trong khung giờ từ 15 - 18 giờ, khi lưu lượng xe từ quốc lộ 51 vào cao tốc và ngược lại tăng cao. Nếu ngày thường, nút giao này chỉ ùn tắc từ 5 - 15 phút thì vào hai ngày cuối tuần, nó biến thành kẹt xe. Vừa qua, vào chiều tối ngày chủ nhật (14-4), một tài xế hãng xe Thiên Phú chuyên chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu cho biết, vẫn chưa hết kinh hoàng khi thời gian đi từ Vũng Tàu lên TPHCM mất 4 tiếng chỉ vì bị kẹt tại nút giao này.
Thiếu tá Trần Quốc Trung (Trạm trưởng Trạm kiểm soát giao thông Ngã ba Thái Lan, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết thêm: “Dịp 30-4 vừa qua, kẹt xe khủng khiếp hơn, kéo dài tới 21 giờ, xe đậu dài vài cây số, tới tận ngã ba Nhơn Trạch”.
Nguyên nhân của nạn kẹt xe ở đây là do làn đường dẫn trên quốc lộ 51 vào cao tốc quá nhỏ, được thiết kết với 2 làn xe, nhưng thường các lái xe không dám vào cua chạy song song cùng lúc, trong khi trạm thu phí - kiểm soát thẻ lại được bố trí quá gần nút giao thông, khi lượng xe cộ tăng thì phải xếp hàng dài chờ qua trạm dẫn đến ùn tắc. Trong hai nhánh ra vào cao tốc thì nhánh rẽ trái từ quốc lộ 51 lên cao tốc là phức tạp hơn và thường xảy ra xung đột giữa hướng xe đi từ Biên Hòa về Vũng Tàu với dòng xe từ quốc lộ 51 vào cao tốc về TPHCM, nhất là khi dòng xe lưu thông trên quốc lộ 51 có nhiều xe tải hạng nặng, xe contairner, đồng thời rất dễ gây tai nạn với các phương tiện khác đang lưu thông qua nút giao.
Cần sớm cải tạo nút giao và dời trạm thu phí
Để đảm bảo giao thông qua nút giao, hàng ngày Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai phải cử một tổ công tác từ 3-4 người trực tiếp điều tiết xe cộ qua lại, những ngày ùn ứ nghiêm trọng thì tăng cường thêm lực lượng, nhưng nguy cơ tai nạn cũng luôn tiềm ẩn, nhất là đối với xe máy lưu thông từ hướng Biên Hòa về Vũng Tàu phải len lỏi giữa các ô tô tải để qua nút giao. Với mức độ và tần suất ùn tắc ngày càng nghiêm trọng như hiện tại, rất cần sớm có kế hoạch mở rộng nút giao lên 4 làn xe hoặc làm hầm chui qua nút giao cho hướng lưu thông chính trên quốc lộ 51.
Không ai bàn cãi về tính tiện lợi cho các loại phương tiện lưu thông trên đường cao tốc, vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc (nếu so sánh với di chuyển bằng đường cũ qua xa lộ Hà Nội), nhưng cũng vì sự tiện lợi mà lượng xe lưu thông trên cao tốc mỗi ngày một tăng. Trung bình từ 37.000 - 40.000 lượt/ngày, nhưng vào dịp cuối tuần hay lễ, tết, lượng xe tăng lên rất cao.
Thống kê của Ban quản lý Dự án Đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, lượng xe lưu thông đạt 320.000 lượt, tăng 20% so với tết năm trước và những ngày sau tết tiếp tục tăng với 61.000 lượt/ngày đêm, cao hơn 55% - 60% so với ngày thường; dịp lễ 30-4, 1-5, có ngày vọt lên 73.000 lượt, làm cho nút giao trở nên chật hẹp. Có lẽ các nhà thiết kế cũng không lường trước được sự tăng lên nhanh chóng của các loại phương tiện chỉ sau hơn 2 năm đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng. Trong cuộc họp Sơ kết Tình hình an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Đồng Nai, một trong những giải pháp, kiến nghị của ngành giao thông và công an địa phương là đề nghị Bộ GTVT xem xét sớm cải tạo mở rộng nút giao.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai và giới tài xế phản ánh, vị trí đặt trạm thu phí quá gần nút giao và cách tổ chức phát vé (thẻ), thu tiền với 2 lần dừng như hiện nay là chưa hợp lý, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực. Ngoài ra, cũng phải kể đến tình trạng xe khách chất lượng cao (nhưng hoạt động như xe dù) chạy tuyến Vũng Tàu - TPHCM với hàng trăm xe trên đường mỗi ngày, thường xuyên dừng đột ngột ngay đường dẫn vào cao tốc để đón khách, hoặc dừng phía đường dẫn ra quốc lộ 51 để trả khách, cũng làm cho tình trạng ùn ứ và kẹt xe thêm trầm trọng, đòi hỏi có sự ra tay chấn chỉnh của ngành chức năng.