Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) của Phần Lan, khi nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống giảm 60% sau vụ nổ Dòng chảy Phương Bắc và việc đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu, xuất khẩu LNG của Nga đến châu Âu tăng lên. Ông Alexey Grivach, Phó Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, cho biết hầu như toàn bộ khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ bán đảo Yamal của Nga và khu vực biển Baltic đã được cung cấp cho EU trong hai năm qua.
Không như than đá và dầu thô, khí đốt Nga hiện không bị EU trừng phạt. Ủy ban châu Âu chỉ đề nghị các nước thành viên dừng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga muộn nhất là năm 2027. Do đó, châu Âu vẫn là điểm đến cho 50% lượng xuất khẩu LNG của Nga, vượt cả lượng xuất khẩu của Mỹ sang EU. Giới chức châu Âu giải thích họ vẫn nhập khí đốt Nga do đã ký các hợp đồng dài hạn từ trước chiến sự. Nếu chấm dứt hợp đồng, các doanh nghiệp châu Âu sẽ phải trả tiền đền bù cho Nga. Hiện nhiều nước trong khối lo ngại rằng việc cấm thẳng thừng việc nhập khẩu LNG Nga có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự như hồi năm ngoái, khi giá khí đốt ở châu Âu thiết lập mức kỷ lục hơn 300EUR (331,63USD)/megawatt giờ.
Do các nước EU nhập khẩu LNG liên tục và ổn định từ Nga nên doanh thu từ xuất khẩu LNG của Moscow đã tăng đột biến. Từ tháng 12-2022 đến tháng 10-2023, một nửa lượng xuất khẩu LNG của Nga, tổng trị giá 8,3 tỷ EUR (9,1 tỷ USD), được hướng tới thị trường EU.
Phần lớn lượng LNG Nga mà châu Âu nhập khẩu đến từ liên doanh LNG Yamal do Công ty Novatek của Nga nắm cổ phần đa số. LNG của Nga hiện chủ yếu được sản xuất tại Nhà máy Yamal LNG ở Bắc cực. Với dự án thứ hai, Arctic LNG 2, sẽ được triển khai trong vài tuần tới, nhập khẩu của EU có thể còn tăng hơn nữa vào năm 2024. EU cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển LNG của Nga cho khách hàng bên ngoài châu Âu. Một số nước châu Âu thậm chí còn cho phép các bến cảng trung chuyển hoặc tái xuất LNG của Nga.