Gửi đến Quốc hội báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021, Chính phủ cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước (bộ, ngành, địa phương) đã ban hành và thực hiện tốt chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của bộ, ngành, địa phương mình, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí .
Tuy nhiên, Chính phủ nêu rõ, còn một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, như tỉnh Lâm Đồng; Bộ Công Thương; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tỉnh Đồng Tháp; tỉnh Hậu Giang; Tổng công ty Thép Việt Nam; Ngân hàng Phát triển Việt Nam...
Chính phủ cũng nghiêm túc thừa nhận, công tác lập, chấp hành dự toán còn hạn chế; tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, giải ngân chậm nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội lưu ý, năm 2021, có 9 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương cho các dự án với tổng số vốn là 9.027,3 tỷ đồng.
10 địa phương chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương với tổng số vốn là 13.536,3 tỷ đồng; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân bị hủy dự toán ước khoảng 29.100 tỷ đồng.
Cùng với đó, “việc chậm triển khai và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”, cơ quan thẩm tra nhận định.
Các CTMTQG đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được phê duyệt từ tháng 6-2020 nhưng đến 14-10-2021 mới có Quyết định phê duyệt chương trình và đến 30-12-2021 mới ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn; 2 CTMTQG còn lại chưa được phê duyệt quyết định đầu tư trong năm 2021, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn, không triển khai thực hiện; dẫn đến phải chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 3 CTMTQG.
Đến ngày 19-4-2022, Chính phủ mới có Tờ trình dự kiến phương án phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 CTMTQG.
Việc chậm trễ đã tác động đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn; gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Như, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10-2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8-2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành không đảm bảo tiến độ quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội. Theo Báo cáo số 695/BC-BKHĐT ngày 28-1-2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2021, dự án mới giải ngân 63%, trong đó năm 2021 chỉ giải ngân đạt 39,78%.
Còn 304ha đất thuộc diện tích đất xây dựng cảng hàng không giai đoạn I và trên 340ha đất thuộc diện tích đất dự trữ chưa giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong việc triển khai thi công và không đảm bảo tiến độ.
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của nhiều bộ, ngành, địa phương cũng rất chậm. Năm 2021, chỉ thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt xấp xỉ 3,7/40.000 tỷ đồng.
Còn nhiều bất cập trong quy định và thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Chưa phát huy được vai trò của thị trường chứng khoán để đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư tiềm năng…