Diêm dân lại được mùa mất giá

Năm nay, nắng hạn gay gắt ở ĐBSCL là điều kiện lý tưởng để tăng sản lượng muối, nhưng trớ trêu, giá thị trường giảm hơn phân nửa so với năm rồi, chỉ 25.000-28.000 đồng/giạ. Người dân làm nghề muối (diêm dân) lại rơi vào vòng lẩn quẩn.

Giá thành rẻ

Bạc Liêu có 2 huyện làm nghề muối là Đông Hải và Hòa Bình. Bến Tre chỉ có huyện Ba Tri, trong đó, diêm dân của 4 xã có hơn 1.020 hộ theo nghiệp cha truyền con nối với nghề muối, gồm: Bảo Thuận, Bảo Thạnh, Tân Thủy, An Thủy với tổng diện tích 850ha. Riêng xã Bảo Thuận và Bảo Thạnh chiếm diện tích lớn nhất là 600ha. Đây cũng là 2 xã được tỉnh Bến Tre công nhận làng nghề sản xuất muối hột.

Diêm dân Bạc Liêu trúng mùa muối. Ảnh: TẤN THÁI
Ông Trần Văn Tô, ngụ xã Bảo Thạnh, cho biết: “Gia đình theo nghiệp muối đã lâu, nhưng cũng chưa giàu bằng ai. 6 công đất của tôi, tiền vôi cải tạo bờ, tiền dầu bơm nước đến hết vụ…  khoảng vài triệu đồng. Nhưng năm nay, giá muối cuối vụ chỉ còn 25.000-28.000 đồng/giạ, không đủ bù đắp chi phí thuê nhân công gánh lên bờ, đường xa là 6.000 đồng/lượt (khoảng 1 giạ muối). Nhờ thời tiết nắng hạn gay gắt, vụ muối kéo dài được thêm 1 tháng (thường bắt đầu vào tháng 12, kết thúc vào cuối tháng 3 âm lịch) nên sản lượng muối của gia đình được khoảng 1.000 giạ, tăng 15% so với năm rồi”.


Đang cố gắng cào số muối còn lại trên ruộng, bà Lê Thị Thủy (xã Bảo Thạnh) nói, cuối tháng 4 này là hết vụ rồi. Năm nay, trời đãi nên vụ muối kéo dài đến cuối tháng, chứ ngày này năm rồi là phơi đất. Chờ vài tháng nữa sẽ cải tạo lại ruộng, sửa bờ rồi nuôi tôm, nuôi cua, cá kèo. Đó là vòng tuần hoàn canh tác theo quy luật tự nhiên của người dân Ba Tri. “Nhưng giờ cuối vụ muối mà giá rẻ quá, chắc tôi vựa lại, chờ đến tháng 9 âm lịch mới bán. Do tháng nước nổi, cá mắm nhiều, nhu cầu mua muối làm mắm tăng nên giá sẽ cao hơn bây giờ. Năm rồi cũng dao động từ 45.000-60.000 đồng/giạ”, bà Thủy cho biết.

Theo ông Mai Văn Trí, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri, năm 2020, độ mặn tăng cao, trung bình độ mặn từ 15‰ là có thể làm muối, còn muối kết tinh độ mặn đạt từ 23-24‰. Tuy nhiên, thời tiết năm nay bất thường, nắng nóng kéo dài nên độ mặn cao hơn mọi năm, sản lượng muối tăng khoảng 57.500 tấn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Ngoài ra, do giá thành rẻ, một số hộ còn vựa lại nên lượng muối tồn trong dân là khoảng 46.000 tấn.

Nâng chất cho hạt muối

Tại Bạc Liêu, năm nay, nhờ thời thuận lợi, nhất là mấy tháng qua nắng nóng kéo dài đã rút ngắn thời gian muối kết tinh, hạt muối đẹp, nâng cao sản lượng và chất lượng hạt muối. Ước tính trung bình cứ 100m2 muối trải bạt cho 7 tấn muối/ha/năm. Hiện giá muối đen dao động từ 500-900 đồng/kg và muối trắng 700-1.500 đồng/kg, tùy theo loại. Anh Trần Thanh Quang (ngụ xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), cho biết, nắng nhiều đã rút ngắn thời gian muối kết tinh, do đó muối cho năng suất cao, cộng thêm bán được giá nên ước tính vụ này bà con có lãi gần 50 triệu đồng/ha/vụ.

 Ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Diêm nghiệp Huy Điền, chia sẻ: “Gần chục năm nay, đời sống diêm dân trong hợp tác xã không khá lên nổi. Hợp tác xã có 31 thành viên và sản xuất muối trên diện tích 20ha. Tính đến nay, sản lượng muối thu hoạch được khoảng 7.000 giạ muối. Đây là năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên hợp tác xã làm muối truyền thống, bán muối đen với giá 600 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ hết chi phí, diêm dân gần như không còn lãi”. Ông Quốc cho biết thêm, hiện diện tích sản xuất muối vụ mùa 2019-2020 của tỉnh Bạc Liêu là 1.548ha (trong đó muối trải bạt 69ha). Sản lượng thu hoạch được 65.191 tấn (trong đó, muối trắng 6.334 tấn), đạt 123% kế hoạch.

Do điều kiện tự nhiên của Bến Tre là nước biển nhiều phù sa, muối sản xuất ra lẫn nhiều tạp chất nên giá thành cũng không cao và chưa kết nối được thị trường đầu ra; chủ yếu tiêu thụ nội địa hoặc làm nước đá, muối cá… Vì vậy, Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri đã  triển khai mô hình làm muối trải bạt, rút ngắn được thời gian kết tinh, hột muối trắng, ít tạp chất, giá thành đầu tư không cao nhưng vẫn chưa được người dân nhân rộng. Thời gian gần đây, nhận thấy sự hiệu quả của mô hình nên người dân tự chuyển đổi được khoảng 75ha diện tích, sản lượng theo đó cũng tăng từ 1-2%.

Ông Mai Văn Trí cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ kết hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, mời gọi một số doanh nghiệp về để tập huấn khoa học kỹ thuật cho diêm dân, nâng cao chất lượng muối, tiến tới doanh nghiệp bao tiêu sản xuất muối sạch. Đến thời điểm hiện tại, trong 4 xã sản xuất muối đã hình thành được một Tổ hợp tác sản xuất muối Bảo Thạnh. Cán bộ Phòng NN-PTNN cũng thường xuyên đến để sinh hoạt với bà con, tập huấn kỹ thuật làm muối, để nghề muối Ba Tri phát triển hơn.

Gỡ khó cho diêm dân

Niên vụ muối 2019-2020 toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 766ha sản xuất muối, giảm khoảng 103ha so với niên vụ 2018-2019. Trong đó, diện tích muối thô 731ha, diện tích muối trải bạt hơn 35ha, tập trung ở huyện Long Điền, TP Bà Rịa và TP Vũng Tàu. Thời điểm này là cao điểm để thu hoạch nhưng không khí trên nhiều cánh đồng muối của tỉnh năm nay không mấy vui vẻ. Dưới cái nắng nóng oi bức của tiết trời tháng 5, diêm dân Huỳnh Thị Năm (53 tuổi, ngụ tại thôn 4, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) đang hì hục xúc từng xẻng muối cho lên chiếc xe rùa đẩy chậm vào bờ. Chỉ vào ụ muối to đùng, bà Năm cho biết, đó là công sức của hai vợ chồng trong 7 tháng ròng rã trên 1,2ha đất ruộng muối đi thuê. Sau khi trả công cho chủ đất 15 tấn muối, vợ chồng bà còn lại khoảng 35 tấn muối thô. Thế nhưng, giá muối năm nay xuống thấp chỉ ngấp nghé ở mức 500 đồng/kg, bằng một nửa so với năm ngoái nên diêm dân bị lỗ nặng. 

Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận, sản lượng muối năm nay đã thu hoạch được hơn 47.690 tấn, đạt 86,8 kế hoạch và do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ muối của tỉnh như: Phú Quốc, TPHCM… tạm dừng thu mua, dẫn tới tình trạng giá giảm sâu và tồn kho cao. Do đó, bà con diêm dân đang rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để vượt qua mùa dịch Covid-19. 

NÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục