Điểm chuẩn chót vót không còn là ngành y
Điểm nổi bật năm nay là nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học xã hội điểm chuẩn tăng đột biến. Cụ thể, nhóm ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật ô tô thu hút thí sinh rất lớn. Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn vào tất cả các ngành đều tăng so với mức điểm chuẩn năm ngoái từ 2 đến gần 3 điểm. Trong đó, ngành Khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm. Kế tiếp là ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô 27,5 điểm. Cùng với đó, những ngành như Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học máy tính (chất lượng cao) kỹ thuật cơ điện tử đều từ 27 điểm trở lên.
Nhóm ngành kinh tế năm nay điểm chuẩn cũng nhảy vọt ở các ngành Kinh doanh quốc tế, Marketing, Kinh tế đối ngoại. Nhiều trường điểm chuẩn những ngành này dẫn đầu với mức từ 26 đến 28 điểm.
Ngay cả hội đồng tuyển sinh của Trường ĐH Luật TPHCM cũng bất ngờ với điểm chuẩn năm nay của trường. Đây là trường có mức điểm chuẩn tăng mạnh nhất so với năm 2019, tăng từ 6 đến 8 điểm. Cụ thể, ngành Ngôn ngữ Anh tăng 6 - 8 điểm, ngành Luật tăng 5,5 - 7 điểm, Quản trị kinh doanh tăng 6 - 7,5 điểm. Những ngành khác như Quản trị luật, Luật thương mại quốc tế tăng 3 - 4 điểm; Luật thương mại quốc tế 3,5 - 6,5 điểm.
Bất ngờ lớn nhất là điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn tuyệt đối 3 môn là 30 điểm. Kế đến là ngành Đông phương học với điểm chuẩn 29,75 điểm, ngành Quan hệ công chúng 29 điểm, ngành Báo chí và Khoa học quản lý có điểm chuẩn 28,5 điểm. Như vậy, đây là trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước. Trong khi đó, điểm chuẩn ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt của 2 trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược TPHCM cũng chỉ lần lượt 28,65 và 28,45 điểm.
Những nghịch lý
Cùng với ngành điểm chuẩn quá cao thì theo đó cũng có nhiều ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn xét tuyển (điểm chuẩn thấp nhất) nhưng vẫn không có thí sinh hoặc chỉ có vài thí sinh trúng tuyển.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, khuyên rằng, thí sinh hãy hết sức bình tĩnh để chọn ngành chọn nghề phù hợp năng lực, sở trường của mình, đừng nên bằng mọi giá phải vào đại học với ngành học xa lạ, sở đoản với bản thân! Các em nên nhớ, các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong các đợt xét tuyển của các trường. Các trường căn cứ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học, xem xét các chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không (ở các đợt tiếp theo). |
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, dự kiến sẽ ngừng tuyển sinh 2 ngành Khoa học thủy sản (60 chỉ tiêu) và Công nghệ vật liệu (50 chỉ tiêu). Nguyên nhân, dù có nhiều phương thức tuyển sinh nhưng đến nay 2 ngành này có số lượng thí sinh đăng ký quá ít so với chỉ tiêu. Thống kê cho thấy, mỗi ngành chỉ có khoảng 30 nguyện vọng (NV) đăng ký nhưng hầu hết là NV 3,4. Số lượng như vậy là quá ít, chưa kể thí sinh đã có thể trúng tuyển NV 1,2. Hai ngành này nhiều năm đã rất khó tuyển sinh. Trong khi đó, ngành Công nghệ thực phẩm có đến 2.746 NV, Quản trị kinh doanh 2.704 NV, Kế toán 2.535 NV, Công nghệ thông tin 1.936 NV.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), dù điểm chuẩn nhiều ngành tăng nhưng vẫn có nhiều ngành rất ít thí sinh trúng tuyển. Những ngành khó tuyển của trường mặc dù hiện tuyển chưa đủ chỉ tiêu, nhưng nhà trường vẫn xác định điểm chuẩn cao hơn điểm sàn với dự kiến là 17 điểm (mức điểm thấp nhất của trường). Nếu lấy bằng mức điểm sàn cũng không có thêm thí sinh nên trường quyết định mức điểm như vậy. Ba ngành khó tuyển nhất của trường là Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học.
Hay như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dù nhiều ngành điểm chuẩn rất cao nhưng vẫn có một số ngành không tuyển được, như Thiết kế thời trang chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Điện tử viễn thông - chất lượng cao Việt - Nhật, ngành Môi trường - chất lượng cao dù điểm chuẩn bằng sàn (19,5 điểm) vẫn không tuyển được. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng có nhiều ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn và có thể sẽ xét tuyển bổ sung.
Theo các chuyên gia, điểm chuẩn tăng cao ngất là điều đã dự báo từ trước, bởi các nguyên nhân sau: đề thi tốt nghiệp THPT dễ hơn năm trước, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển (xét học bạ, tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực, xét học bạ kết hợp thi năng khiếu…) nên chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ ít hơn.
Các trường có thể bắt đầu xét tuyển bổ sung sau ngày 10-10 LÂM NGUYÊN |