Thời nay, học sinh đạt điểm cao không phải hoàn toàn là học sinh giỏi. Ngay từ bậc tiểu học, đạt điểm 9, điểm 10 hầu như cả lớp, điểm 8 thuộc số ít, điểm 6, 7 bị xem là... dốt.
Lên bậc THCS, THPT, các môn rất dễ đạt điểm 9, 10, nhất là các môn bị coi là “môn phụ". Chỉ cần học thuộc lòng, đáp án cứ theo... thầy cô dạy sẽ đạt điểm cao. Chống bệnh thành tích, bệnh thành tích càng nở rộ từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn và cấp cao hơn nữa. Nhiều HS đạt điểm trung bình trên 8 nhưng vẫn là xếp loại khá vì hai môn toán và ngữ văn... chưa đạt chuẩn (một trong hai môn phải trên 8, không có môn nào dưới 6,5). Bởi vậy, câu hỏi “Điểm cao để làm gì?” vẫn thường được nghe đâu đó mỗi ngày, nhất là kết thúc học kỳ 1 và khép lại năm học.
Một điều vô lý, câu hỏi này thường lại nghe học sinh hỏi chứ không phải là người lớn (thầy cô, cha mẹ ...). Lẽ ra câu hỏi này phải thốt lên từ thầy cô, cha mẹ. Vì chính người lớn biết hơn ai hết điểm cao, điểm ảo để làm gì?. Họ biết đó nhưng vẫn cứ dạy con trẻ cần đạt được điểm cao. Vì bệnh thành tích mà họ trói tuổi học trò bằng sách vở, bằng điểm số khiến con trẻ phải thốt lên điểm cao để làm gì?.
1. Đối với các con mình. Tôi thường tạo điều kiện cho các con học nhẹ nhàng, tránh lối học vẹt để lấy điểm cao, giải thích cho con học hiểu, nắm vững kiến thức và biết áp dụng vào thực tế chứ không nặng nợ điểm số. Tôi cũng thường nhắc con điểm cao để làm gì khi những việc lặt vặt trong gia đình không biết làm, ra đường va chạm cuộc sống như... gà công nghiệp, đó cũng là lúc dạy con và “cởi trói” kiến thức sách vở cho con.
2. Đối với người thân, bạn bè. Nếu gặp ai “háo” điểm số, có trường hợp tôi góp ý nhẹ nhàng, tế nhị nhưng có những trường hợp cũng nói... toẹt ra để “thức tỉnh” họ. Khuyên họ hãy vì con mà cởi bỏ điểm cao mà giá trị ảo. Và hãy đặt trường hợp mình vào đứa trẻ để hiểu chúng hơn. Mình cứ bắt chúng đạt điểm cao, nếu mình là học sinh, liệu có làm được như vậy không? Mà điểm cao để làm gì? Để khoe mẽ, để tự hào, để "nở mày nở mặt"...? Nhiều bậc phụ huynh, dù con đã đạt kết quả loại giỏi nhưng không hài lòng. Họ muốn con mình phải là tốp đầu khiến cho con trẻ càng mệt mỏi. Đó cũng là cách dạy sai lầm khi dạy con kiểu “ganh đua, ganh tị” với bạn bè
Thập niên 20 của thế kỷ 21 đã sang nhưng bệnh thành tích bao giờ mới bỏ? Bệnh thành tích có theo “lối cũ ta về” như vài thập kỷ gần đây? Điểm cao để làm gì?... vẫn là những câu hỏi dai dẳng. Muốn thoát được căn bệnh này thì phải từ bộ đến cơ sở, đến mỗi cá nhân. Tuy nhiên, màu xám trong giáo dục bao năm nay vẫn vậy. Loay hoay, luẩn quẩn rồi lại luẩn quẩn, loay hoay”.
Với tôi, là người thầy và cũng là người cha của hai đứa con, tôi “bứt phá” để dạy cho thế hệ trẻ (học sinh và các con của mình) giá trị thật, giá trị đẹp, giá trị thiết thực của cuộc sống chứ không phải giá trị của điểm cao.
Thiết nghĩ, thầy cô, các bậc phụ huynh cũng hãy là chính mình, trao cho học sinh, con cái là chính mình, đừng để điểm cao giá trị ảo đè lên mình, lên thế hệ trẻ. Hãy dũng cảm thoát khỏi bệnh thành tích, dù có những “xì ầm to nhỏ”: dạy không giỏi, con họ học không giỏi.
Điểm cao để làm gì?!