Dịch vụ taxi: Thích ứng, đổi mới để tồn tại và phát triển

Thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều hành động từ các hãng taxi truyền thống phản đối ô tô hợp đồng sử dụng công nghệ của Grab và Uber. Đỉnh điểm là việc nhiều taxi ở Hà Nội và của hãng Vinasun tại TPHCM đã dán biểu ngữ phản đối Grab và Uber. Tại sao?
Dịch vụ taxi: Thích ứng, đổi mới để tồn tại và phát triển ảnh 1 Taxi truyền thống dán biểu ngữ phản đối taxi công nghệ gây chú ý dư luận những ngày qua. Ảnh: Cao Thăng
Thắng nhờ vận dụng công nghệ
TPHCM hiện có hơn 11.000 taxi truyền thống của các hãng như Vinasun, Mai Linh, Phương Trang, Vinataxi… Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 xác định: số lượng taxi tại TPHCM sẽ vào khoảng 13.000 chiếc. 
Theo các quy định hiện hành, taxi truyền thống phải tuân thủ rất nhiều quy định. Xe phải sơn cùng màu. Trên nóc xe phải đầu tư bảng, biển hiệu. Trong xe phải lắp đặt taximeter (đồng hồ tính cước). Mỗi hãng phải đầu tư hệ thống tổng đài gọi taxi. Phải đi kiểm định 6 tháng/lần, dù là xe mới. Tài xế phải được đào tạo bài bản. Mỗi lần điều chỉnh tăng, giảm giá cước đều phải báo ngành chức năng và chịu chi phí có khi lên tới vài trăm triệu đồng/lần, cũng như mất thời gian điều chỉnh taximeter.
Thế nhưng, không phải chỉ taxi truyền thống của TPHCM hay Hà Nội phải chịu các quy định này. Chúng gần như có tính chất toàn cầu, hầu hết các taxi truyền thống trên thế giới đều bị ràng buộc bởi các quy định này từ rất nhiều năm qua. 
Chính trong bối cảnh này, loại hình vận tải công nghệ mới ra đời: xe Grab và Uber. Áp dụng công nghệ vào việc kết nối giữa khách hàng và người kinh doanh vận tải, xe hợp đồng sử dụng công nghệ của Grab và Uber đã “giúp” chủ xe “bỏ qua” hàng chục phần việc mà một hãng taxi truyền thống phải thực hiện. Đó là đầu tư tổng đài gọi xe, “nuôi” bộ máy điều hành…
Đặc biệt, do không bị ràng buộc bởi taximeter, xe công nghệ Grab và Uber rất linh hoạt điều chỉnh giá theo thị trường. Lúc thấp điểm đưa ra giá thấp và ngược lại. Nhờ những ưu thế này, xe công nghệ đã nhanh chóng phát triển. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tính đến cuối năm 2015, TPHCM chỉ có 200 - 300 xe dưới 9 chỗ chạy theo hình thức hợp đồng. Thế nhưng, đến đầu năm 2016, khi Bộ GTVT cho thí điểm Grabtaxi, lượng xe tăng lên 2.437, tới giữa năm là hơn 15.000 xe và hiện có hơn 23.000 xe được cấp phép hợp đồng điện tử (taxi mới).
Bị cạnh tranh quyết liệt, các hãng taxi truyền thống đã phản ứng lại. Và đó chính là câu chuyện đã và đang xảy ra trong những ngày gần đây.               
Dịch vụ taxi: Thích ứng, đổi mới để tồn tại và phát triển ảnh 2 Tài xế gỡ yêu cầu dán đằng sau xe taxi. Ảnh: Cao Thăng     
Không thể đi ngược xu hướng
Chị Nguyễn Cẩm Nhung, công tác tại một cơ quan truyền thông ở quận 3, cho biết mình là khách hàng sử dụng Uber và Grab 2 năm nay, chị thực sự hài lòng. Ngoài tiện lợi thì chị còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí, vì giá của xe Uber và Grab luôn rẻ hơn so với taxi truyền thống 25% - 30%.
Cũng theo chị Nhung, toàn bộ thông tin về chuyến đi được lưu trữ đồng thời trên ứng dụng, nên nếu gặp sự cố xảy ra thì đã có địa chỉ rõ ràng trên ứng dụng để xử lý. Thêm một điểm cộng cho tài xế xe Uber và Grab là phong cách phục vụ khá tốt. Chị luôn nhận được thái độ niềm nở từ người lái xe, cho dù đoạn đường đi ngắn. Đây là kết quả của ứng dụng xếp hạng (rating) chấm điểm cho thái độ phục vụ của tài xế. Nếu bị xếp hạng thấp, tài xế có thể bị giảm thưởng, thậm chí bị cho ngưng việc. 
Chị Nhung kể thêm, có lần, do không đồng ý về hướng đi, tài xế xe Uber đã bỏ chị ngay giữa đường. Chị Nhung gọi cho tổng đài thì được cô nhân viên tổng đài xin lỗi “rối rít”, rồi ngay lập tức “điều” một chiếc xe khác đến đón và đưa chị Nhung tới điểm đến mà không buộc chị trả thêm tiền, cùng với email gửi kèm lời xin lỗi từ Uber bằng một mã giảm giá trị giá 30.000 đồng cho chuyến đi sau - một việc mà hầu như taxi truyền thống không hề làm cho khách hàng của mình.
Những khách hàng như chị Cẩm Nhung không phải là cá biệt. Sự gia tăng nhanh chóng của ô tô sử dụng công nghệ Uber và Grab là một minh chứng. Để tồn tại và phát triển, theo nhiều chuyên gia vận tải, cách khôn ngoan nhất là các doanh nghiệp taxi truyền thống nên “học” theo những tiến bộ của xe Uber và Grab.
“Nhiều hãng taxi đã đầu tư hệ thống công nghệ gọi xe, tính giá cước, tính đường đi khá bài bản, tại sao họ không nghĩ đến việc đề xuất bỏ taximeter để được hoạt động linh hoạt như taxi công nghệ? Hay tại sao họ không đầu tư hệ thống “chấm điểm” cho thái độ phục vụ của tài xế để nâng chất lượng hoạt động của mình lên”, một chuyên gia vận tải nêu ví dụ. 
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là xu thế tất yếu của thế giới và nước ta cũng không thể là ngoại lệ. Cách tốt nhất để tồn tại và phát triển là thích ứng và đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng, chứ không phải “kiện” hay “treo bảng phản đối” đối thủ cạnh tranh.

Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh

Chiều 9-10, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm đã có cuộc họp khẩn với Hiệp hội Taxi TP, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cùng các sở ngành liên quan về việc lái xe taxi truyền thống dán dòng chữ phản đối Grab và Uber trên xe.
Theo ông Trần Quang Lâm, 2 loại hình vận tải mới hiện đang trong giai đoạn thí điểm, việc Vinasun dán dòng chữ phản đối Uber và Grab là không hay, tác động xấu đến môi trường kinh doanh của TP. Ông Lâm đề nghị Vinasun xử lý và chấm dứt ngay việc này trong ngày 9-10. Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Vinasun Tạ Long Hỷ hứa sẽ rút kinh nghiệm và sẽ thực hiện yêu cầu trên ngay trong đêm 9 hoặc chậm nhất là sáng 10-10. Còn theo đại diện Sở Công thương TPHCM, việc dán dòng chữ phản đối như vậy có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, sở sẽ có báo cáo gửi Bộ Công thương xem xét, điều tra xử lý. 
Sở GTVT cho biết, UBND TPHCM đã có văn bản đề nghị các đơn vị cung cấp phần mềm như Grab, Uber tạm ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới. Để quản lý chặt hơn, Sở GTVT sẽ cung cấp danh sách ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” cho Công an TPHCM kiểm tra. Được  biết, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản 159 vụ tài xế Grab và Uber vi phạm, phạt hơn 600 triệu đồng, chủ yếu về các lỗi không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải, dừng đậu không đúng quy định, không có danh sách, hợp đồng vận chuyển...             
Cùng ngày, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết Uber chưa thống nhất với quyết định truy thu thuế của TP, đang muốn làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề này. Tuy nhiên, với quyết định truy thu thuế trước đây, nếu sau 10 ngày Uber không tự nguyện thực hiện thì Cục Thuế TP sẽ chuyển cho bộ phận quản lý nợ để có biện pháp xử lý. Vấn đề cưỡng chế thu nợ thuế đối với Uber không đơn giản, bởi tài khoản của Uber nằm ở Hà Lan nên cơ quan thuế của TP không thể phong tỏa tài khoản được. Do vậy, giải pháp xử lý cưỡng chế có thể thực hiện là kiến nghị UBND TP cấm Uber hoạt động kinh doanh trên địa bàn, nếu không nộp thuế.
HÀ DỊU - HÀN NI

Xe chạy hợp đồng vẫn phải đóng thuế theo quy định

Xe Grab, Uber thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức nào? Hiện được quản lý ra sao? Liệu họ có thể trốn thuế như dư luận bàn tán? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở GTVT TPHCM, về vấn đề này (hiện nay, nhiều doanh nghiệp thuộc hiệp hội đang tiếp nhận hàng ngàn ô tô Grab và Uber vào kinh doanh).
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, hiện nay có khoảng bao nhiêu xe Grab và Uber hoạt động trong các đơn vị vận tải là thành viên của hiệp hội? Họ đăng ký hoạt động theo hình thức nào? 
- Ông LÊ TRUNG TÍNH: Kinh doanh vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện. Muốn kinh doanh vận tải, chủ xe phải vào các doanh nghiệp/hợp tác xã (HTX) đang có giấy phép kinh doanh vận tải hoặc họ đăng ký kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh vận tải, không có loại hình kinh doanh cá thể riêng lẻ. Xe Grab hay Uber cũng vậy, và khi tham gia vận tải họ thường chọn các HTX đã đăng ký hoạt động. Loại hình vận tải mà họ hay chọn là chạy hợp đồng. Hiện số lượng xe Grab và Uber trong hiệp hội vào khoảng 15.000 xe. 
* Xe Grab và Uber trong hiệp hội đóng thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác như thế nào?
Họ cũng thực hiện các nghĩa vụ tài chính như các xe chạy hợp đồng khác. Cụ thể, họ đóng các loại phí (đã thỏa thuận) với HTX, đóng thuế khoán 3%/doanh thu (không được khấu trừ như thuế VAT), thuế thu nhập cá nhân 1,5% - 2% thu nhập.
* Mức thuế này thấp hơn mức mà các đơn vị taxi truyền thống đang đóng là 10% thuế VAT, 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì sao?
- Thuế suất của xe Uber hoặc Grab thoạt nhìn có vẻ thấp hơn so với taxi truyền thống, nhưng đây là 2 cách đóng thuế khác nhau. Trên thực tế, qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã công bố trên nhiều báo, đài: mức đóng thuế của các loại hình vận tải này tương đương nhau. Thậm chí nếu nói về thuế thu nhập cá nhân, số tiền mà loại hình xe Uber, Grab đóng còn nhỉnh hơn một chút so với taxi truyền thống.
* Là người đã làm công tác quản lý lâu năm, theo ông, có kẽ hở nào để xe Grab và Uber trốn thuế không?
- Các HTX thường chỉ cung cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng cho những chủ xe đã nộp đủ các nghĩa vụ tài chính. Không có phù hiệu này, trong quá trình kinh doanh, nếu bị phát hiện, sẽ bị xử phạt rất nặng. Tôi nghĩ, cách quản lý của các HTX như vậy là hợp lý và sẽ khó có khả năng xã viên dám kinh doanh khi không có phù hiệu.
Tất nhiên, cũng có thể có những kẽ hở để các xã viên trục lợi mà tôi chưa được biết, thí dụ như họ lấy xe nhà ra chở khách, mà không tham gia bất kỳ đơn vị vận tải hoặc đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh nào. Trách nhiệm phát hiện ra điều đó và xử lý như thế nào là của ngành chức năng liên quan. 

Tin cùng chuyên mục