Dịch vụ phát trực tuyến: Khó người, khó cả ta

Hiện nay, người dùng ngày càng có nhiều hơn lựa chọn thưởng thức nội dung trên các nền tảng VOD (video on demand - video theo yêu cầu) hay OTT (over the top - cung cấp nội dung qua internet). Cuộc đua để tồn tại và thu hút người dùng chưa bao giờ đơn giản, ngay cả với các “ông lớn” nước ngoài.

Buổi họp báo ra mắt dự án 7 năm chưa cưới sẽ chia tay, phát sóng trên nền tảng VieON. Ảnh: VIEON
Buổi họp báo ra mắt dự án 7 năm chưa cưới sẽ chia tay, phát sóng trên nền tảng VieON. Ảnh: VIEON

Cơ hội song hành thách thức

Trong các dịch vụ phát trực tuyến, Netflix hiện dẫn đầu thị trường với khoảng 270 triệu người dùng trên toàn thế giới, tiếp sau là Amazon Prime Video (200 triệu người dùng), Disney+ (hơn 153 triệu), Max (gần 100 triệu), Paramount+ (hơn 70 triệu)...

Theo dự đoán của các chuyên gia, doanh thu phát trực tuyến trong năm 2024 dự kiến đạt gần 44 tỷ USD và có thể đạt 54 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 7,53% (giai đoạn 2024-2027). Nhìn vào bức tranh ấy sẽ thấy nhiều điểm lạc quan. Tuy nhiên, không phải đến lúc này các dịch vụ phát trực tuyến mới đối mặt không ít thách thức. Cụ thể, trong năm 2023 tại Mỹ có đến 45% người dùng đã hủy ít nhất một dịch vụ với lý do chi phí quá cao.

Trong bối cảnh đó, các dịch vụ phát trực tuyến cũng đang tìm cách có thêm nguồn thu ngoài phí dịch vụ. Hầu hết các nhà cung cấp như Netflix, Disney+, Hulu, Amazon, Max, Peacock và Paramount+... hiện đều có các gói đăng ký rẻ hơn, có hỗ trợ quảng cáo. Theo Bob Chapek - cựu CEO của Disney: “Đó là một cách hay để thu hút những người tiêu dùng nhạy cảm về giá. Việc có nhiều lựa chọn sẽ giữ chân họ ở lại, đồng thời thúc đẩy những người muốn dịch vụ tốt sẽ trả phí hàng tháng cao hơn”.

Không dễ lấy tiền người dùng

Tại Việt Nam, trong số các nền tảng VOD, Galaxy Play dẫn đầu thị trường 5 năm liên tiếp từ 2019-2023. Theo chia sẻ, đơn vị này hiện có khoảng 13 triệu người đăng ký và hơn 3 triệu người dùng thanh toán tích lũy. Trong khi đó, nhà cung cấp VOD VieON thì cho biết, hiện có hơn 52 triệu thiết bị cài đặt ứng dụng này và đầu năm 2024, nền tảng này cũng đã ra mắt phiên bản toàn cầu VieON Global. Một số đơn vị khác tại Việt Nam có thể kể đến: FPT Play, DANET, K+, VTV Go...

Theo các chuyên gia trong ngành, sự gia tăng về mức độ phổ biến của các nền tảng VOD, OTT tại Việt Nam được thúc đẩy nhờ tỷ lệ tăng trưởng người dùng internet nhanh. Tuy nhiên, hầu hết người dùng internet tại Việt Nam vẫn thích các nội dung miễn phí và chấp nhận quảng cáo. Đó được xem là lý do chính để YouTube đứng đầu thị trường. Nhưng tình hình này đang có sự thay đổi khi ngày càng có nhiều người sẵn sàng trả tiền cho nội dung độc quyền và chất lượng cao hơn. Cũng vì lý do đó, những năm gần đây thị trường chứng kiến sự cạnh tranh rất lớn về mặt nội dung, đặc biệt là mảng nội dung gốc giữa các đơn vị. Nhiều series phim, chương trình truyền hình thực tế được sản xuất và phát sóng độc quyền trên các nền tảng khác nhau.

Trong năm 2024, Galaxy Play cho ra mắt Hùng Long Phong Bá 3 và trước đó là Mất tích đêm 30. Năm nay, VieON cũng cho ra mắt các phim bộ độc quyền: Ước mình cùng bay, Hạnh phúc bị đánh cắp, 7 năm chưa cưới sẽ chia tay, Ván cờ danh vọng, Tiểu tam không có lỗi?; DANET cũng đang thực hiện mùa thứ 2 của Hành trình kỳ thú (Let’s Feast Vietnam)…

Tuy nhiên, theo đại diện của một nền tảng OTT, thị trường sẽ vô cùng khó khăn bởi nhiều thách thức lớn hiện hữu. “Số lượng người dùng trung thành hiện chưa cao khi người tiêu dùng thường chỉ lựa chọn mua gói lẻ xem từng phim, chương trình hoặc mua trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, kho nội dung mới của các nền tảng cũng chưa phải là quá nhiều để đủ sức cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài”, vị đại diện này nhận định. Cũng liên quan đến câu chuyện tài chính, hiện nay không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực lớn để có thể duy trì sản xuất các dự án phim bộ, chương trình truyền hình độc quyền để phát sóng thường xuyên nhằm giữ chân người dùng. Chưa kể, việc kêu gọi các đơn vị tài trợ, quảng cáo cũng là thách thức không hề nhỏ đi kèm với những điều khoản, cam kết rất ngặt nghèo.

Thách thức khác, mang tính cố hữu là vấn nạn vi phạm bản quyền chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trái lại ngày càng tinh vi hơn. Hiện nay, hình thức “lách luật” rất phổ biến là tình trạng review, cắt ghép các nội dung sau đó chèn nhạc, lồng tiếng và đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội để tránh các phần mềm quét bản quyền diễn ra rất phổ biến. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ AI cũng là thực tế nhiều đơn vị trong ngành đang phải đối mặt và đau đáu tìm bài toán giải quyết.

Theo thống kê của trang statista.com, thị trường VOD tại Việt Nam dự kiến tạo ra doanh thu hơn 366 triệu USD vào năm 2024. Tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể đạt 9,55% giai đoạn 2024-2027 với doanh thu cuối kỳ hơn 482 triệu USD (2027). Trong số các phân khúc của thị trường, SVOD (xem không giới hạn) chiếm thị phần lớn nhất, với giá trị đạt khoảng 254 triệu USD trong năm 2024.

Tin cùng chuyên mục