Dịch vụ logistics Việt Nam còn nhiều bất cập

Ngày 24-5, tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, ngành logistics Việt Nam hiện đang xếp hạng khá thấp, 64/160 trên toàn thế giới với điểm chỉ số năng lực quốc gia logistics (LPI) đạt 2.98. 
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam có vài ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics hoặc liên quan. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hoạt động các doanh nghiệp này, đa phần đều là đại lý, công ty vận tải với quy mô rất nhỏ từ 1-5 chiếc xe tải, hay đại lý môi giới, công ty cho thuê kho bãi (tức đạt ở cấp độ 2PL - một chuỗi những người cung cấp dịch vụ cho hoạt động đơn lẻ cho chuỗi hoạt động logistics nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ hàng nhưng chưa tích hợp với hoạt động logistics). Mặt khác, ở cấp độ này, các công ty có dịch vụ cho thuê kho bãi ở Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp trong hoạt động cho thuê kho bãi mà chỉ đơn thuần hoạt động như “chủ nhà, chủ đất cho thuê”.
Chỉ có một số ít doanh nghiệp logistics ở Việt Nam đạt cấp độ 3PL - cấp độ có thực lực và làm đúng chức năng cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng. Theo đó, công ty logistics thay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics cho từng bộ phận như gửi hàng, thực hiện thủ tục xuất khẩu, cung cấp chứng từ giao nhận-vận tải và vận chuyển nội địa hoặc thay mặt cho người nhập khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa và đưa hàng đến điểm đúng quy định…
Riêng số lượng doanh nghiệp có khả năng đạt cấp độ 4PL (cung cấp dịch vụ logistics chuỗi phân phối, có khả năng hợp nhất, gắn kết các nguồn lực, tiềm năng và cơ sở vật chất kỹ thuật của mình với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics) gần như đếm trên đầu ngón tay. 
Nguyên nhân chủ yếu do đa phần doanh nghiệp logistics Việt Nam còn loay hoay vừa xây dựng chiến lược kinh doanh trong lúc vận hành hoặc thậm chí là không có chiến lược nên có xu hướng sao chép đối thủ cạnh tranh, dẫn đến tình trạng “cạnh tranh về giá khốc liệt”.

Tin cùng chuyên mục