Người làm nghề đánh bóng lư đồng dạo thường xuất hiện bên lề đường ở các giao lộ, khu chợ. Mỗi bộ lư đồng được đánh bóng với giá từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng, tùy theo kích thước và họa tiết khó hay dễ của lư đồng. Lư đồng hiện nay được chia làm 2 loại, lư đồng truyền thống và lư đồng mỹ nghệ. Với các sản phẩm lư đồng mỹ nghệ, người tiêu dùng phải gửi lại nhà sản xuất để có thể đánh bóng, làm mới. Còn lư đồng truyền thống, có thể tự đánh bóng hoặc thuê thợ ở bất cứ nơi đâu đánh bóng.
Sau khi tháo rời các bộ phận, lư đồng được ngâm qua dung dịch dấm, hoặc nước khế để khoảng một ngày cho sạch bụi bẩn, rồi thợ đưa vào mô-tơ quay để mài cho sáng bóng. Để chống oxy hóa và giữ cho lư đồng được bền hơn, người thợ thường lau lại với tinh bột sắn hoặc bột năng, rồi tiếp tục lau lại với vải sạch. Khi đánh bóng lư đồng, thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, vì chỉ cần một chút sơ suất thì lư đồng có thể bị trầy xước, biến dạng, độ sáng không đồng đều. Những lư đồng có nhiều hoa văn, họa tiết thì càng khó đánh, đương nhiên giá đánh bóng cũng đắt hơn.
Anh Đỗ Sĩ Quang (53 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) là người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề đánh bóng lư đồng, cho biết: “Thông thường trước tết khoảng một tháng là tôi bắt đầu nghỉ công việc chính, nhận lư đồng để đánh bóng. Nghề tuy vất vả vì phải hít bụi đồng, hóa chất độc hại, nhưng cho thu nhập khá. Mỗi mùa tôi thu nhập khoảng 10 đến 20 triệu đồng, đủ để chi tiêu và mua sắm cho gia đình. Làm nghề này quan trọng là phải tâm huyết và thật kỹ càng; vì chủ yếu là đồ thờ cúng, nên phải sạch sẽ, cẩn thận”.
Người thợ đánh lư đồng có thể bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe vì phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại và bụi bặm, bột kim loại, do cọ xát lư đồng. Nhưng vì có thu nhập hấp dẫn nên nhiều người vẫn tiếp tục theo nghề.