Thông tin từ Airbnb Việt Nam (chuyên hỗ trợ cho thuê và đặt phòng), tính đến đầu năm 2019, số lượng phòng Airbnb ở nước ta đã lên đến 40.804 phòng, tương ứng tăng 40 lần chỉ sau 4 năm (năm 2015 chỉ khoảng 1.000 phòng).
Việc chia sẻ phòng lưu trú không đơn thuần giúp tăng thu nhập mà còn trở thành sản phẩm kinh doanh đem lại lợi nhuận tốt. Doanh thu bình quân mùa cao điểm của chủ nhà ở TPHCM đạt khoảng 11,5 triệu đồng/tháng, thấp điểm đạt khoảng 8,3 triệu đồng/tháng.
Được biết, tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hàng năm trên Airbnb tại TPHCM là 97%, ở Hà Nội là 112%, Đà Nẵng là 111%. Với mô hình chia sẻ phòng, chủ nhà (host) trên Airbnb có thể tận dụng lợi thế của nền tảng theo nhiều hình thức khác nhau như cho thuê toàn bộ ngôi nhà (entire home), cho thuê một số phòng riêng (private room), phòng ở ghép từ 2 khách trở lên cho một phòng.
Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox (Outbox Consulting) cũng chỉ ra rằng, một trong những hiện tượng “nóng” của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam những năm gần đây là việc các nhà đầu tư cá nhân mua hoặc thuê lại nhiều căn hộ khác nhau tại các thành phố du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM), sau đó cho du khách thuê lại dưới dạng ngắn hạn. Việc cho thuê này có thể tạo thêm 20% - 50% doanh thu mỗi tháng so với các hợp đồng cho thuê dài hạn.
Dịch vụ này đang nở rộ, phát triển ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trên cả nước như Sa Pa, Hạ Long… Chính sự tăng trưởng “nóng” nói trên tạo cho chủ nhà những thách thức cần phải đối mặt, đặc biệt là thách thức của việc tối ưu hóa kinh doanh căn hộ khi cùng một lúc quản lý nhiều căn home-sharing trên nhiều nền tảng khác nhau. Mặt khác, các cơ quan quản lý địa phương cũng gặp khó khăn liên quan đến yếu tố pháp lý, giám sát loại hình kinh doanh này.