Cách đây chưa đầy một tháng, một người Việt Nam định cư tại Úc đã cho ra đời một bản dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, nhan đề “Kim Kiều Hán Việt truyện”, dưới dạng thơ chữ Hán nhưng làm theo thể lục bát của Việt Nam. Dịch giả là cụ Thái Hanh, một đông y sĩ tên thật là Nguyễn Khắc Nhân, sinh năm 1920 tại Hà Nam.
Được biết, dịch giả đã dành ra 10 năm để thực hiện công trình này và hoàn thành trong năm Quý Dậu (1993). Khi in xong, sách dày 450 trang (không kể những bài thơ đề vịnh thêm ở đầu và cuối sách), trình bày lần lượt xen kẽ từng đoạn 4 câu thơ Kiều bằng tiếng Việt rồi đến 4 câu thơ dịch chữ Hán (có cả chữ Hán và phiên âm Hán Việt) theo thể lục bát. Để dễ hình dung, xin trích 4 câu đầu:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Được dịch là:
Bách niên trần thế chi gian,
Mệnh tài lưỡng tự đa hoàn tương sai.
Tang thương biến cải ta tai,
Sự kinh mục kích xúc ai ai hoài.
Trong lời tựa ở đầu sách, ông Thái Hanh có nhắc đến hai bản dịch khác, một của Lý Văn Hùng (nhưng ông đề lầm là Trương Văn Hùng) và một của Trương Cam Vũ, đã từng xuất bản ở Việt Nam trước đây. Được biết, bản của Lý Văn Hùng (một giáo sư Hoa kiều ở Chợ Lớn) có tên là Kim Vân Kiều bình giảng, in năm 1954 tại Chợ Lớn, còn bản của Trương Cam Vũ (một đông y sĩ người Hoa, cũng ở Chợ Lớn) có tên Hán dịch Kim Vân Kiều Nam âm thi tập in năm 1961 (gần đây Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM có tái bản).
Cả hai bản dịch trên đây đều dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra chữ Hán nhưng theo thể thất ngôn (mỗi câu 7 chữ), và vì dịch từng đoạn 4 câu nên hình thành những bài thất ngôn tứ tuyệt ngắn. Để tiện so sánh, xin trích thêm đoạn đầu Truyện Kiều của hai bản dịch vừa nêu:
Bách niên nhân thế chính kham kỳ,
Tài mệnh tương phương cánh như tư.
Lịch tận thương tang thiên vạn biến,
Tâm hoài ẩn thống phục hề nghi.
(Lý Văn Hùng)
Nghịch lữ nhân sinh bách tuế trung,
Mệnh tài lưỡng tự xảo tương xung.
Nhất kinh thương hải tang điền biến,
Mục kích tâm thương kỷ vãng tung.
(Trương Cam Vũ)
Người Trung Quốc cũng có dịch Truyện Kiều Nôm ra chữ Hán, đó là bản Kim Vân Kiều truyện bằng thơ Hán tự do của Hoàng Dật Cầu (Trung Quốc, 1958, có lời tựa của cụ Bùi Kỷ), với mấy câu đầu như sau:
Nhân sinh bất mãn bách,
Tài mệnh lưỡng tương phương.
Thương tang đa biến ảo,
Xúc mục sự kham thương.
Chuyện hơi ngược đời mà thú vị ở chỗ: ngay bản Truyện Kiều chữ Nôm cũng đã được Nguyễn Du dịch thoát từ bộ tiểu thuyết Tàu có tên Kim Vân Kiều truyện của một tác giả đời Minh (Trung Quốc) là Thanh Tâm Tài Nhân. Chữ Hán dịch ra chữ Nôm, rồi chữ Nôm lại dịch ngược ra chữ Hán, quả là một trường hợp có một không hai trong lịch sử văn học, nhưng cũng dễ hiểu, vì Nguyễn Du sau khi lấy ý của Thanh Tâm Tài Nhân, ông đã biến tác phẩm của mình thành một kiệt tác mà về nghệ thuật văn chương có thể nói có nhiều mặt nổi trội hơn so với bản gốc Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, vốn là một quyển tiểu thuyết lãng mạn bình thường ít được biết tới (trong các sách văn học sử của Trung Quốc, chúng tôi được biết chỉ có một quyển nhắc tới Thanh Tâm Tài Nhân).
Lịch sử của vấn đề dịch Truyện Kiều ngược ra chữ Hán còn có điểm thú vị hơn nữa nếu chúng ta biết thêm việc nầy đã từng được một nhà nho khuyết danh thời Tự Đức (1848-1883) làm, với quyển Kim Vân Kiều lục. Theo cụ Trúc Khê Ngô Văn Triện (tuần báo Tri Tân, 3.6.1941), nhà Nho này đã dịch thoát quyển Kiều chữ Nôm của Nguyễn Du ra Hán văn, và sách được nhà Chiêu Văn Đường khắc in trong niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (1888).
Cụ Trúc Khê (1901-1947) có trong tay quyển sách này, đã đọc và cho biết: sách dày 62 trang in khổ 15 x 25 cm, nội dung “không dịch theo tỉ mỉ từng câu trong “Truyện Kiều”, mà chỉ dịch ước lược lấy ý bằng một ngòi bút có văn vẻ; rất có nhiều chỗ khả thủ...” (Trúc Khê, tlđd).
Nhìn chung, tất các bản dịch, nếu không kể phần thành công trong mục đích giao lưu văn hóa nhằm giới thiệu kiệt tác Truyện Kiều cho cộng đồng sử dụng chữ Hán, thì khách quan mà nói, khó có bản dịch nào đạt nổi giá trị nghệ thuật so với “nguyên tác” bản Nôm của Nguyễn Du. Về điểm này, nhà nghiên cứu-dịch giả Hoàng Dật Cầu được coi là có bản dịch hay nhất cũng phải thừa nhận trong bài “hậu ký bản dịch” của ông: “Đến như những chỗ hết sức vi điệu và khúc chiết của bản thơ nguyên tác thì đương nhiên vẫn không thể truyền đạt lại đúng như thực được”.
Riêng bản dịch của Thái Hanh vừa được xuất bản, chúng tôi nhận thấy dịch giả đã có nhiều công phu rất đáng trân trọng trong việc vận dụng chữ Hán để hình thành những câu thơ lục bát đúng với vần điệu truyền thống của thơ Việt. Công trình này ngoài thú vui văn chương tao nhã ra, ý nghĩa thực tế có thể không nhiều nhưng chứng tỏ được tấm lòng thiết tha đối với tiếng Việt và Truyện Kiều của một người Việt sống trên đất khách. Câu thơ dịch và văn viết chữ Hán của cụ Thái Hanh tuy vậy cũng còn một số mặt hạn chế, nhiều chỗ có vẻ bình dân thô sơ, được cái là rất chân thành, sáng sủa.
Ngoài ra, do sơ sót của người thao tác kỹ thuật khi sử dụng phần mềm gõ chữ Hán trên vi tính (được biết đã dùng phần mềm Hán Nôm Hanokey của Tống Phước Khải), bản in đã để lại khá nhiều lỗi ở phần chữ Hán. Nếu khắc phục thêm những lỗi này, bản dịch Truyện Kiều của Thái Hanh chắc chắn bổ ích hơn nhiều.
TRẦN VĂN CHÁNH