Kaspersky Lab - công ty bảo mật công nghệ thông tin tư nhân lớn nhất thế giới - đã ghi nhận 68,7 triệu cuộc tấn công mạng trên toàn cầu vào tháng 4, so với con số chỉ 57,2 triệu vào tháng 2.
Trục lợi từ sự hỗn loạn
Theo Google, trong thời gian dịch Covid-19, số email lừa đảo nhắm đến doanh nghiệp nhiều gấp 4,8 lần so với trước đó. Ngày 7-6, VT San Antonio Aerospace - công ty con tại Mỹ của Tập đoàn chế tạo công nghệ Singapore ST Engineering - thông báo đã bị tấn công bằng mã độc khiến rò rỉ lượng lớn dữ liệu mật liên quan hợp đồng với một loạt chính phủ, các tổ chức liên quan tới chính phủ và các hãng hàng không.
ST Engineering là tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Singapore, có liên quan tới các ngành công nghiệp thiết yếu của nhiều quốc gia trong các lĩnh vực hàng không, điện tử hay quân sự, quốc phòng.
ST Engineering có hơn 100 công ty con với hơn 23.000 nhân viên, hiện diện tại hơn 20 quốc gia và 40 thành phố trên thế giới.
Theo báo cáo của Công ty An ninh mạng Cyfirma có trụ sở chính tại Singapore và Nhật Bản, một nhóm tin tặc có tên Maze đã xâm nhập hệ thống của Công ty VT San Antonio Aerospace, có thể từ tháng 3 vừa qua, đánh cắp khoảng 1,5 terabytes dữ liệu mật.
Công ty này không chấp nhận thỏa hiệp nên tin tặc đã công bố trên trang web đen Dark Web và một số diễn đàn công khai tại Mỹ khoảng 50 MB dữ liệu, trong đó có thông tin liên quan chi tiết hợp đồng của một số quốc gia như Peru, Argentina hay Hãng hàng không American Airlines và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) cho biết, tội phạm trên thế giới đã thích nghi khá nhanh với các lệnh cách ly, phong tỏa của các nước để khai thác sự hỗn loạn toàn cầu nhằm trục lợi.
Theo số liệu từ Trung tâm An ninh mạng quốc gia Thụy Sĩ (NCSC) vừa công bố, số vụ tấn công mạng được báo cáo ở Thụy Sĩ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 cao hơn gấp 3 lần so với bình thường. Cụ thể, các trường hợp xảy ra trong tháng 4-2020 là hơn 350 vụ mỗi tuần, cao hơn mức bình thường (khoảng 100-150 vụ).
Theo ông Max Klaus, Phó giám đốc NCSC, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi về mặt pháp lý, Thụy Sĩ không bắt buộc các công ty hoặc cá nhân phải báo cáo sự cố, nên con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Tràn lan tin giả lừa đảo
Gần đây giới an ninh mạng cảnh báo tin tặc đã lấn sang lĩnh vực chính trị và xã hội. Tin giả (fake - news) là chiêu thức ưu tiên của tội phạm mạng để lừa số đông nạn nhân.
Ngày 8-6, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Menardo Guevarra đã chỉ thị đơn vị chống tội phạm mạng và Cục Điều tra quốc gia điều tra tình trạng các tài khoản giả trên Facebook sử dụng danh tính của nhiều sinh viên, phóng viên và quan chức chính phủ xuất hiện lan tràn bất thường sau nhiều sự kiện tập trung đông người phản đối dự luật chống khủng bố của nội các Tổng thống Rodrigo Duterte. Tổng thống Duterte dự kiến sẽ ký sắc lệnh ban hành đạo luật chống khủng bố 2020 này trong thời gian tới.
Trong khi đó, người phát ngôn của hãng Facebook Inc cho biết hãng đang điều tra những báo cáo về hoạt động khả nghi và sẽ hành động nếu việc này vi phạm chính sách của hãng. Không chỉ cá nhân có trách nhiệm với sự an toàn thông tin của mình, chính phủ các nước cũng đang tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn các thủ đoạn phạm tội của loại hình mới phát sinh này trên toàn cầu.