Dịch tả heo đã lan ra 7 tỉnh

Theo thông báo ngày 2-3, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại tỉnh Hải Dương. Như vậy đến thời điểm này, đã có 7 tỉnh có heo bị chết do nhiễm virus dịch ASF, trong khi theo Bộ NN-PTNT, hoạt động ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 246/TYV2-CD ngày 1-3 của Chi cục Thú y vùng II, chi cục này nhận được 6 mẫu bệnh phẩm (gồm 5 mẫu huyết thanh, 1 mẫu phủ tạng của heo) do Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương gửi về đề nghị xét nghiệm virus gây ASF. Sau khi tiến hành kiểm tra, xét nghiệm, kết quả cho thấy có 5/6 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus ASF (trong đó, 4/5 mẫu huyết thanh dương tính, 1/1 mẫu phủ tạng dương tính). Ngay trong ngày, Chi cục Thú y vùng II đã có công văn chính thức thông báo ASF đã lây lan vào tỉnh Hải Dương. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương, ổ dịch ASF được phát hiện tại cơ sở chăn nuôi của hộ gia đình ông Hoàng Văn Chinh ở thôn Trại Mới, xã Hiến Thành, huyện Kim Môn.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), để cô lập các ổ dịch gây bệnh ASF tại những nơi vừa phát hiện có virus, các lực lượng chức năng phải tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo bị chết và cả những trại heo, đàn heo nằm ở khu vực xung quanh nơi có heo chết để bao vây. Đến thời điểm này, đã có hơn 2.300 con heo buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng thịt lên tới hơn 170.000kg, đồng nghĩa với việc bà con nông dân, người chăn nuôi bị thất thu hàng chục tỷ đồng trong 2 tháng qua. Điều đáng lo ngại, theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg heo hơi, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg. Heo chết sau nhiều tháng mới nhận được hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ phức tạp vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng ít khi người chăn nuôi đăng ký. Vì vậy, để làm thủ tục hỗ trợ thì người chăn nuôi mất nhiều thời gian, họ đành phải bán chạy heo bệnh, nghi mắc bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra thì cần có nhiều hóa chất tiêu độc khử trùng, phòng trừ nhưng việc tổ chức đấu thầu thường mất nhiều thời gian, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng.

Từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều địa phương đã tổ chức sáp nhập cơ quan thú y thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nên việc triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả, không chủ động giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh; không tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vaccine, không xử lý các trường hợp vi phạm… Nhiều địa phương không bố trí kinh phí trả thù lao cho cán bộ thú y hoặc có bố trí nhưng rất thấp so với chi phí thực tế, nên dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia các hoạt động phòng chống trong thời gian dài. Về kinh phí để hỗ trợ chống dịch bệnh, theo Bộ NN-PTNT, hiện nay nguồn từ ngân sách Trung ương chỉ có khoảng 25 tỷ đồng/năm và ngân sách của mỗi địa phương là khoảng 7 tỷ đồng/năm.

Trước nguy cơ ASF có thể thành “đại dịch”, dự kiến ngày mai (4-3), tại Hà Nội, Chính phủ sẽ chủ trì tổ chức một hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh và thành phố để triển khai các giải pháp tổng thể nhằm ngăn chặn ASF. Hiện Bộ NN-PTNT cũng đang soạn dự thảo thông tư quy định bắt buộc các địa phương phải công bố dịch đối với dịch ASF.

            Hà Tĩnh: Nếu giấu dịch, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật

Ngày 2-3, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã có công điện về việc thực hiện khẩn cấp công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

 Theo đó, để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của bệnh vào địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trên trên địa bàn khẩn trương xây dựng, phê duyệt kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống; huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia triển khai phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo chính quyền địa phương và phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn heo, nếu phát hiện heo bệnh ốm, chết không rõ nguyên nhân; có các triệu chứng, bệnh tích của bệnh dịch tả heo châu Phi hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập vào địa bàn trái phép phải báo cáo ngay để lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm xác định dịch bệnh. Địa phương nào giấu dịch, không báo cáo kịp thời thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ tịch UBND tỉnh…
                                                                                                DƯƠNG QUANG



Tin cùng chuyên mục