Trong khi đó, tại Quảng Nam vừa xuất hiện thêm 2 ổ dịch tả heo Châu Phi tại huyện Núi Thành và Nông Sơn. Tại Duy Xuyên, phát hiện thêm 22 con heo rừng nuôi của hộ dân ở thôn Phú Nham Tây, xã Duy Sơn mắc dịch tả heo châu Phi.
Tại Hà Tĩnh, đã phát hiện một ổ dịch tả heo châu Phi tại hộ chăn nuôi của ông Mai Văn Minh (ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà).
Tại Nghệ An, đến ngày 3-6, dịch tả heo châu Phi tiếp tục lan rộng và được ghi nhận tại thị trấn Quán Hành và xã Nghi Thịnh (huyện Nghi Lộc), xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu). Riêng tại huyện Diễn Châu, đến nay có tới 17 xã xuất hiện dịch.
Tại Đồng Nai, theo cơ quan Thú y tỉnh, dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp dù việc phòng chống dịch bệnh đang được người chăn nuôi quan tâm và thực hiện nghiêm ngặt. Trong đó, đáng chú ý là đang xuất hiện nguyên nhân chủ yếu làm lây lan dịch bệnh Dịch tả heo châu Phi từ chim trời. Với đặc tính thích bay, nhảy và nhu cầu tìm kiếm thức ăn, nước uống nên chim sẽ thường xuyên bay từ hộ/trang trại chăn nuôi này qua hộ/trang trại chăn nuôi khác do đó sẽ làm virus dịch tả heo châu Phi dính vào chân, mỏ, và khi qua chuồng trại của các hộ/trang trại chăn nuôi khác để ăn, uống sẽ làm lây nhiễm virus vào nguồn thức ăn, nước uống.
Do đó, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai khuyến cáo để tránh nguy cơ lây bệnh do chim thì dùng lưới thưa quây thật kín các ô, dãy chuồng để chim không thể bay vào các ô, dãy chuồng để ăn, uống.
Còn tại Cai Lậy (Tiền Giang), Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tả heo châu Phi và ngành thú y đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo của hộ ông Lê Ngọc Tài vì bị nhiễm dịch tả heo châu Phi. Trước đó, đàn heo 20 con của ông Nguyễn Thành Chiến, ở ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè cũng bị bệnh nghi tả heo châu Phi, trong đó, 7 con đã chết.
Tại Bạc Liêu, tính đến thời điểm này đã phát hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi đều ở huyện Vĩnh Lợi.