Ngay khi nhận được kết quả, xã đã tiến hành tiêu hủy 15 con heo mắc dịch của gia đình ông Hà Huy Phúc (ở thôn 3). Trước đó, UBND huyện Quỳnh Lưu đã công bố hết dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ, nay dịch lại bùng phát trở lại ở xã Sơn Hải.
Trong khi đó, qua kết quả xét nghiệm cho thấy, heo chết tại xã Diễn Hạnh (huyện Diễn Châu) dương tính với dịch tả heo châu Phi. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày, Diễn Châu có tới 11 xã có dịch là: Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Thái, Diễn Quảng, Diễn Bích, Diễn Xuân, Diễn Đoài, Diễm Mỹ, Diễn Trường, Diễn Hồng và Diễn Hạnh. Ngay trong chiều 16-5, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã có cuộc làm việc với huyện Diễn Châu về công tác cấp bách phòng chống dịch.
Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ngày 16-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh An Giang, tổ chức diễn tập ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi. Cùng với diễn tập phòng chống dịch bệnh thì UBND tỉnh An Giang cũng quyết định thành lập 10 chốt kiểm dịch tạm thời (8 chốt đường bộ và 2 chốt đường thủy) nhằm kiểm soát chặt tình hình vận chuyển heo, các sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn An Giang.
Tại Đồng Tháp, để ứng phó với dịch bệnh, ngành chức năng tỉnh đã triển khai 9 chốt kiểm soát (trong đó bố trí tới 4 chốt nằm ở khu vực biên giới tiếp giáp Campuchia). Đến thời điểm này đàn heo trong tỉnh được kiểm soát chặt, chưa phát hiện trường hợp bị bệnh dịch tả heo châu Phi.
Cũng trong ngày 16-5, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã thông báo việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn không cho tổ chức, cá nhân, vận chuyển heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền vào địa bàn tỉnh.