Dịch sốt xuất huyết lại rình rập

Những ngày mưa nắng bất thường vừa qua khiến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM và khu vực phía Nam có dấu hiệu tăng. Các chuyên gia cảnh báo, sốt xuất huyết nếu không được kiểm soát sẽ dễ bùng phát thành dịch.

Tăng bất thường

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, những tháng đầu năm, số ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước khoảng 13.000 ca (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, dịch SXH có chiều hướng tăng bất thường khu vực Tây Nam bộ (TP Cần Thơ có trên 600 ca, tỉnh An Giang có khoảng 860 ca; riêng ở hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, số ca mắc SXH tính từ đầu năm đến nay đã tăng 200%-400% so với cùng kỳ năm 2022), khu vực Đông Nam bộ (riêng tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 800 ca mắc SXH).

Tại TPHCM có 5.488 ca mắc SXH (tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022) ở 287 ổ dịch, rải rác tại các phường, xã, thị trấn. Những địa phương có số ca mắc SXH cao là huyện Bình Chánh (588 ca), quận Bình Tân (586 ca), TP Thủ Đức (568 ca), quận 12 (356 ca), quận Bình Thạnh (341 ca).

Trước diễn biến phức tạp này, ngay từ đầu năm 2023, UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo trung tâm y tế quận phối hợp với UBND 10 phường thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống SXH tới từng khu phố. Tất cả các ca bệnh, ổ dịch đều được điều tra và xử lý kịp thời theo quy trình, chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) về hướng dẫn giám sát phòng chống SXH.

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung thông tin: số ca mắc mới SXH đang giảm theo từng tháng, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các loại hình nguy cơ theo hướng dẫn của HCDC. Ở các điểm đã phát hiện lăng quăng, lực lượng chức năng phải kiểm tra lại hàng tuần. Trong trường hợp vẫn còn lăng quăng, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản, chuyển UBND phường xử phạt nghiêm theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Lãnh đạo TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh… cũng khẳng định địa phương luôn chủ động, cảnh giác diễn biến phức tạp của dịch SXH.

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH - Huyết học, BV Nhi đồng 1 (TPHCM) thăm khám cho bệnh nhi

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH - Huyết học, BV Nhi đồng 1 (TPHCM) thăm khám cho bệnh nhi

Nhận biết sớm để tránh nguy cơ tử vong

Ngày 23-3, Khoa SXH - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) ghi nhận có gần 50 người bệnh SXH (3-16 tuổi) đang điều trị nội trú. Lũy kế tính từ sau tết đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 300 trẻ mắc SXH. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 1-3 người bệnh có triệu chứng nặng. Tuyến bệnh viện quận, huyện và TP Thủ Đức ghi nhận số trẻ em, người lớn đến khám, điều trị SXH tăng nhẹ.

BS-CKII Võ Thanh Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, các ngày trong tuần có khoảng 10-15 lượt người tới khám bệnh tại khu khám bệnh truyền nhiễm và khoa Nhi, với các triệu chứng liên quan tới SXH như: sốt cao liên tục, chảy máu chân răng, chảy máu cam…

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH - Huyết học, BV Nhi đồng 1 (TPHCM), lưu ý, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong - được gọi là SXH dengue nặng. Khi người dân mắc SXH, bệnh có diễn biến từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, da và kết mạc người bệnh thường xung huyết, có biểu hiện xuất huyết da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Những ngày đầu, người bệnh chủ yếu sốt, đau nhức cơ; nếu diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng ngủ li bì, hạ đường huyết… dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan. Lúc này, người bệnh bị thoát huyết tương ra ngoài thành mạch dẫn đến sốc sốt SXH dengue, hoặc bị rối loạn đông máu khiến người bệnh xuất huyết tiêu hóa, đi tiểu ra máu, chảy máu răng, chảy máu mũi, không thể cầm máu... Nhiều lúc sẽ xảy ra tình trạng tổn thương tạng, thường gặp là tổn thương gan, thận dẫn đến hôn mê. Có một số trường hợp hiếm gặp là xảy ra tình trạng xuất huyết não.

“Nếu người bệnh không có dấu hiệu nặng, các cơ sở y tế có thể theo dõi, cho điều trị ngoại trú, hàng ngày người bệnh phải đến tái khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện, không cần phải nhập viện. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo SXH hoặc các trường hợp có nguy cơ cao, thì cần phải nhập viện”, TS-BS Nguyễn Minh Tuấn khuyến cáo.

BS-CKII Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, cho biết, người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống từ trong nhà đến xung quanh nhà; không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi. Người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thuốc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng (kể cả ban ngày) để tránh bị muỗi cắn.

Tin cùng chuyên mục