Sáng 27-6, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại các bệnh viện ở TPHCM.
Tại Bệnh viện Quận 8, bác sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện cho biết, bắt đầu từ tháng 5, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đến khám và điều trị liên tục gia tăng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện.
Hiện đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, thuốc men, vật tư y tế, giường bệnh để sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc SXH trên địa bàn gia tăng. Tuy nhiên, khó khăn của Bệnh viện Quận 8 hiện nay là nhân sự tại các khoa điều trị SXH khá mới và trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các ca SXH nặng nên tỷ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên vẫn còn cao.
“Đa số chúng tôi chỉ tiếp nhận những ca bệnh nhẹ, đối với các trường hợp có dấu hiệu nặng, sốc và tái sốc thì sẽ chuyển viện lên tuyến trên để đảm bảo an toàn cho người bệnh”, bác sĩ Hùng cho hay.
Hiện nay việc thu dung, điều trị bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn đang được kiểm soát tốt, sẵn sàng các phương án trong trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện đơn vị này đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị SXH.
“Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị SXH như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc SXH lại chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán. Do đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp tìm nguồn cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị thực tế cho người bệnh”, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh đề xuất.
Thực tế kiểm tra tại các cơ sở y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá, hiện nay dịch bệnh SXH trên địa bàn TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam đang có những diễn biến phức tạp, khả năng sẽ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới.
Bên cạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch thì vấn đề thu dung, điều trị người bệnh SXH cũng vô cùng quan trọng. “Các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho người bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, một trong những vấn đề quan trọng là cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân. Mặc dù hiện nay chưa có dấu hiệu quá tải bệnh viện nhưng nếu tất cả các ca bệnh đều chuyển tuyến đổ dồn lên tuyến trên thì tình trạng quá tải có thể xảy ra.