Đã ghi nhận trường hợp tử vong
Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 5 tuổi, ngụ ở tỉnh Bình Dương, nhập viện trong tình trạng sốc sâu, suy hô hấp, xuất huyết phổi, gan và phải thở máy. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị SXH nặng. Sau gần 48 tiếng lọc máu, bệnh nhi đã tử vong vì tổn thương đa cơ quan, trên nền bệnh béo phì (nặng 34kg). Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, PGS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết, bệnh viện vừa ghi nhận trường hợp một cháu bé 8 tuổi đã ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện. Các bác sĩ xác định bé bị sốc SXH nặng, tổn thương đa cơ quan. “Dù bệnh viện cố gắng hồi sức cho bệnh nhi nhưng tình trạng quá nặng, bé đã tử vong”, bác sĩ Phạm Văn Quang chia sẻ.
Theo thống kê của các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố, khoảng hơn 3 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhi nhập viện có biến chứng vì sốt xuất huyết tăng gấp 2-3 lần. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cho biết, từ Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 150 bệnh nhi mắc SXH, trong số này có 10% trẻ phải nhập viện điều trị. Hiện khoa nhiễm của bệnh viện đang điều trị khoảng 50 - 60 trẻ, trong đó có trẻ mắc bệnh nặng, thậm chí có trẻ vừa mắc SXH nặng vừa mắc Covid-19 và những trường hợp này ghi nhận chủ yếu ở trẻ có cơ địa béo phì. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận trẻ nhập viện do SXH gia tăng trong những ngày gần đây, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng muộn, dẫn đến tỷ lệ trẻ bị nặng nhiều hơn so với mọi năm. Qua thống kê, bệnh nặng chiếm 20%-30% và tỷ lệ phải lọc máu chiếm 2%-3%. Còn theo thông tin của Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số trẻ đến khám và nhập viện vì SXH ở bệnh viện tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hai tuần đầu tháng 4, số trẻ nhập viện và nguy kịch tiếp tục gia tăng.
Không chủ quan, lơ là
Bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, hiện nay các tỉnh khu vực phía Nam đang vào mùa mưa, thời tiết lý tưởng bùng phát dịch SXH. Nhưng năm nay, bệnh SXH khác hơn so với mọi năm là bệnh nhi nhập viện muộn, qua quá trình các bác sĩ khai thác bệnh sử, đa phần phụ huynh đều lo ngại Covid-19 nên không đưa con đi khám bệnh, đến khi trẻ có dấu hiệu sốc phản vệ, co giật thậm chí là nôn ra máu mới đưa con đến bệnh viện. “Phụ huynh cần lưu ý, khi trẻ sốt 3 ngày trở lên, nên cho trẻ đi khám để làm các xét nghiệm xác định trẻ bị sốt siêu vi, hay nhiễm trùng thậm chí là bị Covid-19. Nếu là SXH, bệnh nhi sẽ sốt liên tục trong vòng 3 ngày, đến ngày thứ 4 là hết sốt. Tuy nhiên, cũng có trẻ xuất hiện biểu hiện nặng hơn như: ói, đau bụng, chảy máu cam, đi cầu phân đen, thậm chí là ói ra máu”, bác sĩ Nguyễn Đình Quy thông tin.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đình Quy, nguyên tắc khi trẻ sốt thì phụ huynh có thể cho uống thuốc hạ sốt tại nhà, sử dụng các loại thuốc như paracetamol, hạn chế không sử dụng thuốc Ibuprofen vì thuốc này có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa. Đặc biệt, những trẻ có nền bệnh cảnh đau bao tử sẽ khiến trẻ có thể bị ói máu, đi cầu phân đen và trở nặng nhanh. “Nhìn chung, trong giai đoạn bệnh SXH và Covid-19 lưu hành, phụ huynh thay vì phân vân không biết con bị bệnh gì để điều trị kịp thời thì nên chủ động test Covid-19 tại nhà cho trẻ. Bởi chỉ cần sốt vào mùa mưa này, không chỉ nghĩ là Covid-19 mà cần phải nghĩ đến bệnh SXH, tránh việc tự ý điều trị tại nhà cho trẻ quá lâu đến khi chuyển nặng sẽ khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao”, bác sĩ Nguyễn Đình Quy nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), SXH là bệnh lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Nam bộ trong đó có TPHCM, tuy nhiên, giai đoạn cao điểm của bệnh SXH tại thành phố thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh SXH hàng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa. Và nếu toàn thể cộng đồng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra các ổ dịch SXH tại thành phố là rất lớn. Bên cạnh việc phòng bệnh, thì việc phát hiện sớm bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh nhân SXH đúng cách cũng rất quan trọng. “Bệnh SXH khác với các bệnh truyền nhiễm khác là diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5 - 7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Do đó, người dân không thể chủ quan, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi và điều trị cho phù hợp. Chúng ta không vì Covid-19 mà e ngại tới cơ sở y tế khám bệnh vì hiện nay các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường và bệnh nhân có triệu chứng hô hấp”, HCDC khuyến cáo.
Dấu hiệu bệnh SXH chuyển biến nặng cần đến ngay cơ sở y tế: Ói nhiều, đau bụng nhiều; Có dấu hiệu xuất huyết (chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo ở nữ). |