Trước dịch SXH đang diễn ra phức tạp với số người mắc tăng rất cao tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có công điện đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống SXH.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7-2019 và duy trì 1 tuần/lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại; huy động các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia diệt lăng quăng. Đồng thời các địa phương phải tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về phòng chống SXH, tập trung tuyên truyền đến người dân về việc diệt lăng quăng và phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun thuốc muỗi tại gia đình.
Đối với cơ quan y tế ở các địa phương, cần tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và phát sinh; tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất xử lý triệt để khi phát hiện những ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng. Đặc biệt yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, nhất là tại các cơ sở y tế tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, khi nhập viện thì đã nặng, nguy cơ tử vong cao. Đồng thời có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị cho tuyến dưới để hạn chế quá tải bệnh viện.
Để chủ động phòng chống dịch SXH, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế đễ được khám, tư vấn điều trị và không tự điều trị tại nhà.
Đến nay, cả nước ghi nhận trên 87.000 người mắc SXH, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các tỉnh thành có tỷ lệ người mắc/100.000 dân cao nhất nước là: Khánh Hòa, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đồng Nai.
Nhận định về tình hình dịch SXH hiện nay, Bộ Y tế chỉ rõ, số người mắc SXH tăng cao là do điều kiện thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển.
Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại… là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh phát triển và khó kiểm soát triệt để.
Tệ hơn, ý thức của một bộ phận người dân về phòng chống SXH chưa cao, chưa chủ động diệt lăng quăng ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ... khiến công tác kiểm soát véc tơ, phòng bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị làm phát sinh ổ lăng quăng truyền bệnh thực hiện rất hạn chế, đa số chưa được áp dụng tại các địa phương; các chiến dịch diệt lăng quăng cũng mang tính hình thức và không được duy trì lâu dài, bền vững.
Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay là mùa cao điểm dịch, dự báo số ca mắc mới SXH sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cùng với Việt Nam dịch SXH cũng đang gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực, như: Philippines ghi nhận 92.267 ca mắc; Malaysia ghi nhận 62.421 ca mắc, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Lào, Campuchia, Singapore... cũng ghi nhận số ca mắc hằng tuần tăng cao. |