Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi quá thấp
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay đã có 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Chỉ chưa hết 2 tháng đầu năm 2019, toàn quốc ghi nhận gần 500 trường hợp dương tính với virus sởi trong tổng số hơn 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.
Trong đó, các địa phương có số người mắc sởi tăng rất cao là: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái... Tại TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận khoảng 190 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm trước có chưa đầy 20 ca.
Tại TPHCM, theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.087 trường hợp mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có 2 ca (tăng 1.085 ca). Hiện sởi đã lây lan ra 24/24 quận, huyện trên địa bàn thành phố, số ca mắc cao tập trung ở các quận Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh.
Trong đó phải kể đến vai trò của tiêm chủng dịch vụ bởi ngày càng có nhiều người dân lựa chọn sử dụng tiêm chủng vaccine sởi dịch vụ. Dù vậy hiện vẫn có một số bất cập trong việc tiêm phòng vaccine sởi dịch vụ, đó là các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thường tư vấn phụ huynh đợi đến 12 tháng tuổi mới cho con tiêm phòng mũi tổng hợp 3 trong 1, gồm sởi - quai bị - rubella (MMR), thay vì tiêm mũi sởi đơn ở thời điểm 9 tháng.
Như vậy có một số lượng lớn trẻ đến 12 tháng tuổi mới được tiêm ngừa sởi, khiến nguy cơ trẻ mắc sởi và lây lan sởi trong cộng đồng cao hơn. “Đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến cho bệnh sởi bùng phát và lây lan mạnh trong thời gian qua, bởi trong số trẻ em mắc sởi từ tháng 8-2018 đến nay có đến 30% trẻ dưới 12 tháng tuổi và hoàn toàn chưa được tiêm phòng vaccine sởi”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khẳng định.
Đáng nói, tỷ lệ tiêm chủng ở một số trạm y tế phường, xã còn rất thấp. Tại Trạm Y tế phường Tân Thới Nhất (quận 12), theo bác sĩ Trương Minh Thống Nhất, Trưởng trạm y tế, cho biết đầu năm 2019, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn mới chỉ có 56%, rất thấp so với mặt bằng chung của TP.
“Rất nhiều lần trạm y tế mời phụ huynh đến tiêm phòng cho con nhưng nhiều người cũng không đưa trẻ đến trạm. Tại phường cũng vừa có một chùm ca bệnh sởi với 2 trường hợp mắc là 2 bệnh nhi chưa đến tuổi chích ngừa sởi (9 tháng tuổi)”, bác sĩ Trương Minh Thống Nhất thông tin.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua giám sát cho thấy, số người mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước có nguyên nhân từ việc không tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa sởi.
Trong số các trường hợp mắc sởi từ đầu năm 2019 tới nay có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vaccine sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vaccine sởi.
Cùng với đó, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM... số ca mắc sởi tăng cao còn do tỷ lệ dân di cư từ các địa phương khác di chuyển tới tăng nên rất khó kiểm soát và quản lý về việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng.
Nhiều biến chứng khi mắc sởi
GS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cảnh báo dịch sởi có mức độ lây lan nhanh với nhiều trường hợp biến chứng nặng. Trong đó, biến chứng phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não… Tuy nhiên, sởi hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà, với trường hợp mắc nhẹ.
Theo tiến trình phát triển bệnh, sau 1 - 2 ngày mắc sởi, trẻ sẽ ho, chảy nước mũi, xuất hiện ban nổi trên mặt. Sau đó khoảng 7 - 10 ngày, các triệu chứng sẽ hết, trẻ tự khỏi. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện sốt tăng cao, khó thở, thân nhiệt không kiểm soát… phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, bệnh sởi do virus sởi gây ra và chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.
Do đó, để chủ động phòng bệnh sởi, ngành y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh. Người lớn chưa tiêm vaccine sởi cần chủ động đi tiêm vaccine sởi tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc bệnh.
“Trong năm 2019, các cơ sở tiêm chủng vẫn tổ chức tiêm vét vaccine sởi cho trẻ dưới 5 tuổi tại các trạm y tế, các bệnh viện. Cùng với đó, ngành y tế tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục rà soát lại các trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để vận động, nhắc nhở phụ huynh cho trẻ tiêm chủng đầy đủ; đẩy mạnh hậu kiểm và giám sát các cơ sở tiêm chủng” - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng thông tin.
TPHCM: Sẽ triển khai tiêm vaccine ComBe Five vào tháng 3
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, từ tháng 2-2019, TPHCM đã triển khai thí điểm tiêm vaccine ComBe Five cho 66 trẻ tại quận 6 và quận Tân Phú. Bước đầu ghi nhận không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, tâm lý người dân vẫn còn dè dặt trước vaccine mới này. Dự kiến, bắt đầu từ tháng 3-2019, ngành y tế TP sẽ triển khai chuyển đổi sang tiêm vaccine ComBe Five trên toàn TP.
Trước đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã tiến hành tập huấn triển khai chuyển đổi ComBe Five cho 24 trung tâm y tế quận, huyện và 319 trạm y tế phường, xã. Sở Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Trong đó yêu cầu các cơ sở tiêm chủng nghiêm túc đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực, chuyên môn kỹ thuật về tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine, tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc khám sàng lọc trước tiêm chủng tuân thủ đúng chỉ định, chống chỉ định, hoãn tiêm theo quy định của Bộ Y tế…
Ngoài ra, để tránh tình trạng người dân đổ xô đưa trẻ đi tiêm dịch vụ, ngành y tế TPHCM cũng đang có kế hoạch mở rộng nguồn cung vaccine dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 để tránh tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ n