Mất tết vì sởi
Trong phòng cấp cứu của khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bệnh nhi 6 tháng tuổi đang được hỗ trợ hô hấp vì biến chứng viêm phổi. Hai tay của bé được buộc nhẹ vào thành giường sau nhiều lần giật dây truyền thuốc. Từ mùng 1 Tết, chị Đào Thị Ngọc (mẹ bệnh nhi, ngụ tỉnh Bình Dương), liên tục phải đưa con từ phòng khám đến bệnh viện.
“Bé mệt nhiều từ trước tết, bác sĩ kê thuốc nhưng con không đỡ. Sau đó, gia đình đưa con đi TPHCM khám mới phát hiện bị sởi biến chứng phải nhập viện ngay, thở oxy, truyền thuốc liên tục”, chị Ngọc chia sẻ.
Tương tự, nhập viện vào khuya mùng 3 Tết vừa qua, bé Trần Thiên Ân (1 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) ngủ li bì vì những ngày sốt cao, âm ỉ. Như phần lớn các bệnh nhi khác, bé Ân cũng chưa được tiêm vaccine phòng sởi. “Do dịch bệnh và lu bu công việc trước tết nên gia đình chưa kịp cho con đi tiêm ngừa”, chị N.L. (cô ruột của bé) giãi bày.
Tại khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) cũng đang điều trị hơn 60 ca sởi nội trú mỗi ngày, hầu hết đến từ các địa phương khác và chưa tiêm vaccine sởi. Các bác sĩ lo ngại về tình trạng một số phụ huynh có tâm lý chủ quan, cho rằng sởi là bệnh quen thuộc và không nguy hiểm. Thực tế, trẻ có thể gặp biến chứng nặng do viêm phổi, viêm não, nhất là với trẻ có bệnh nền, bệnh bẩm sinh. Về lâu dài, những trẻ từng mắc sởi dễ bị suy dinh dưỡng, còi cọc và suy giảm miễn dịch.
ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, nhận định, đợt dịch sởi này có nhiều điểm khác thường. Trong đó, thời gian dịch kéo dài từ tháng 6-2024 nhưng đến nay chưa suy giảm dù nhiều địa phương đã tổ chức tiêm vaccine; số bệnh mới nhập viện không có xu hướng giảm (ở mức 15-20 ca/ngày); độ tuổi trải rộng từ trẻ sơ sinh đến nhóm trên 10 tuổi, nhiều trẻ bị lây từ người lớn trong gia đình.
Ngăn dịch lây lan rộng
Tại TPHCM, năm 2024, dịch sởi bùng phát với 4.368 ca mắc, 5 ca tử vong, ghi nhận ca sởi ở 476 trường học. Tính đến đầu năm 2025, tiến độ tiêm chủng vaccine phòng sởi cho trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi vượt 100% ở đa số quận, huyện. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi còn chậm.
Trên phạm vi cả nước, năm 2024 ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi với 7.583 trường hợp dương tính, 16 trường hợp tử vong. Độ tuổi của các ca sởi xác định cho thấy xu hướng gia tăng ở nhóm dưới 9 tháng (chiếm khoảng 25%).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao. Dịch sởi cũng xuất hiện trên diện rộng tại một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia. Trước bối cảnh trên, Bộ Y tế ban hành “Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025”, mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 đến 10 tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi. Các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh, nguồn lực của địa phương để trao đổi với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực, đề xuất mở rộng phạm vi triển khai cho nhóm tuổi trên.
“Mục tiêu là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Ngày 8-2, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố kêu gọi chính quyền các cấp, các tổ chức và người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế nêu rõ, Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia, trong khi các hội chứng cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng có dấu hiệu tăng nhanh từ cuối năm 2024, nhất là khu vực Bắc bán cầu.
Tại Việt Nam, số ca mắc cúm có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Trong đó, các chủng virus cúm phổ biến là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Đối với bệnh sởi có xu hướng giảm so với tháng 12-2024 nhưng vẫn có sự gia tăng tại một số địa phương. Hiện nay, điều kiện thời tiết mùa đông xuân với khí hậu ẩm là môi trường thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi cho các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi; đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tăng cường miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm và tiêm vaccine có thành phần sởi, rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cùng với đó, ngành y tế các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, nhất là cúm, sởi và các bệnh đường hô hấp cấp tính; giám sát nghiêm ngặt các trường hợp nghi ngờ tại bệnh viện, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp gia tăng ca bệnh.