Sáng 28-8, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, để kịp thời kiểm soát dịch bệnh lở mồm long móng diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ khẩn cấp 27.000 liều vaccine lở mồm long móng, 2.000 lít hóa chất Benkocid và 1.500 lít hóa chất Via-lodine từ nguồn dự trữ để có thể triển khai tiêm phòng cho các đàn gia súc trên địa bàn tỉnh.
Hiện Quảng Trị có 5 xã, thị trấn của 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông xảy ra dịch LMLM với tổng số trâu bò mắc bệnh 259 con (195 bò, 64 trâu), trong đó, 8 con chết (6 bò, 2 trâu) và đã chôn hủy, 42 con đã lành triệu chứng.
Để sớm khống chế, dập tắt dịch bệnh lở mồm long móng, không để lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng.
Riêng 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông cần tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; thực hiện việc công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; khẩn trương tổ chức tiêm vaccine bao vây ổ dịch; quyết tâm khống chế bệnh lở mồm long móng trong thời gian nhanh nhất để ổn định tình hình chăn nuôi và phát triển sản xuất trên địa bàn.
Tổ chức xử lý tiêu hủy động vật chết do dịch bệnh theo đúng quy định; không hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia súc bệnh, chết đối với các trường hợp không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Liên quan đến tình hình dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc tại Quảng Trị, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản yêu cầu tỉnh này sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Đồng thời, đánh giá nguyên nhân chính do đàn gia súc chưa được tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng khiến nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan ra các địa phương khác là rất cao.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, không để dịch bệnh dai dẳng kéo dài.