Gần đây, Nguyễn Lệ Chi còn lập Chi Art Space với mong muốn xuất khẩu các tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ trẻ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu những tác phẩm của nhà văn, họa sĩ Việt Nam không dễ dàng.
Đường dài xuất khẩu văn học
PHÓNG VIÊN: Cách đây mấy năm, thông qua thương hiệu Chibooks, chị từng ấp ủ xuất khẩu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Đến nay việc xuất khẩu văn chương này đạt được những kết quả cụ thể thế nào?
Dịch giả NGUYỄN LỆ CHI: Việc xuất khẩu văn chương Việt là một chặng đường dài, đôi khi chúng ta không thể cân đo đong đếm thành những con số cụ thể. Những kết quả, trái ngọt của nó có thể chỉ được nhận thấy sau 10, 20 năm. Chibooks vẫn luôn mang sách văn học Việt đi trưng bày, quảng bá tại các hội sách quốc tế như Frankfurt (Đức), Bắc Kinh (Trung Quốc)…
Tại hội thảo văn học quốc tế vừa diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), đại diện Chibooks cũng tham gia với tham luận về việc dịch sách văn học. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 nhà văn, dịch giả đến từ 30 quốc gia và khu vực. Chibooks có làm việc với Hội Nhà văn tỉnh Quảng Đông về một kế hoạch dài hơi nhằm giới thiệu văn chương Việt thông qua việc mời các nhà văn Việt sang giao lưu, tổ chức các dịp sáng tác thực tế, hội thảo văn học Việt - Trung, xuất bản sách văn học Việt bằng tiếng Hoa… Tất cả những việc này đều cần có thời gian để thực hiện và mong nhận được sự ủng hộ của các nhà văn, các cơ quan chức năng.
Muốn xuất khẩu sách văn học Việt Nam tốt hơn nữa, theo chị chúng ta cần chuẩn bị những gì?
Để xuất khẩu văn chương Việt tốt hơn, trước hết cần có kinh phí lớn từ chính phủ. Nếu không có kinh phí để dịch thuật những sách văn học Việt sang toàn bộ tiếng Anh hoặc các thứ tiếng khác, chúng ta rất khó có thể quảng bá được sách văn học Việt trọn vẹn cho các đơn vị xuất bản nước ngoài.
Ở Chibooks, chúng tôi đã chọn lựa một số tác phẩm văn học tiêu biểu mà các nhà văn Việt đã tin tưởng ký hợp đồng làm đại diện; cho dịch tóm tắt tác phẩm ra tiếng Anh, tiếng Hoa, thậm chí dịch cả một chương đầu để chào hàng. Một số sách nhận được sự quan tâm của các đơn vị xuất bản quốc tế. Nhưng khi họ yêu cầu gửi cả file sách bằng bản tiếng Anh và tiếng Hoa để đọc thẩm định toàn bộ sách trước khi quyết định mua bản quyền thì chúng tôi chịu vì không đủ tiền đầu tư cho dịch ngược Việt - Anh, Việt - Hoa cho toàn bộ số sách đó. Bởi điều này đòi hỏi số kinh phí dịch thuật rất “khủng” mà các đơn vị làm sách tư nhân như Chibooks khó có thể tự trang trải được.
Như vậy, xuất khẩu văn học không chỉ là việc của một hay vài đơn vị làm xuất bản?
Đúng vậy, tôi từng trao đổi với ông Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia. Được biết, Chính phủ Indonesia từng đầu tư 1 - 2 triệu USD chỉ để dịch 200 đầu sách văn chương Indonesia ra bản tiếng Anh, nhằm phục vụ việc trưng bày tại Hội sách quốc tế Frankfurt. Cũng chính nhờ “số vốn” 200 đầu sách này, Indonesia đã đủ điều kiện làm khách mời danh dự tại Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) năm 2014. Điều này không chỉ đem lại vinh dự cho nền xuất bản Indonesia, giới thiệu được sách và bán được bản quyền sách ra các nước, mà còn giới thiệu về văn hóa, kinh tế, lịch sử, chính trị, địa lý, nghệ thuật… của đất nước mình với thế giới. Từ đó nhiều cơ hội hợp tác đã mở ra.
Chúng ta cũng cần kinh phí để đào tạo nên một thế hệ dịch giả mới. Việc đào tạo này không chỉ giới hạn đào tạo trong nước, mà cần lựa chọn những người có khả năng nhất, đưa đi đào tạo ở nhiều nước trong vài năm. Tôi tin rằng, nếu có thể làm được như vậy, mới mong rằng chúng ta sẽ có được một đội ngũ dịch giả với nhiều ngôn ngữ giỏi và tự tin trong tương lai, được sử dụng nhuần nhuyễn như tiếng mẹ đẻ. Tất nhiên để chuyển ngữ được từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác, đòi hỏi người dịch có trình độ cao hơn rất nhiều, thậm chí cần nhiều chuyên gia nước ngoài cùng tham gia hiệu đính.
Làm cầu nối cho họa sĩ trẻ
Mới đây, chị lập thêm Chi Art Space để hỗ trợ các họa sĩ…
Trước mắt, Chi Art Space sẽ tham gia các hoạt động hỗ trợ cho các họa sĩ như: cung cấp dịch vụ hỗ trợ truyền thông cho các họa sĩ và nhà sưu tầm - tổ chức triển lãm tranh, họp báo, xuất bản và tổ chức ra mắt sách nghệ thuật; tư vấn, thẩm định tranh cho nhà sưu tập khi có yêu cầu; cầu nối cho các họa sĩ với nhà sưu tập, những người yêu nghệ thuật qua các thông tin có trách nhiệm, đáng tin cậy; cập nhật mọi thông tin ngành mỹ thuật trên Facebook Chi Art Space (Facebook/chiartspace.vn); cung cấp thông tin mới nhất về các khóa học mỹ thuật, nghệ thuật trong và ngoài nước.
Còn tiến tới xa hơn trong tương lai, Chi Art Space mong muốn đưa được tranh Việt giới thiệu ra bạn bè quốc tế thông qua các triển lãm ở nước ngoài, các hội chợ nghệ thuật quốc tế.
Theo chị, tranh của các họa sĩ trẻ đã và sẽ có chỗ đứng như thế nào trong thị trường tranh khu vực để thu hút nhà đầu tư?
Vài năm trở lại đây, đã có một số họa sĩ trẻ đi triển lãm tranh ở nước ngoài, được các gallery và nhà sưu tập nước ngoài chú ý, mua tranh và tiếp tục mời đi triển lãm. Giá tranh của các họa sĩ này trung bình từ 5.000 - 12.000 USD/bức, thậm chí lên tới 30.000 USD/bức khi được đấu giá tại Mỹ. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho sự khởi sắc của mỹ thuật trẻ. Tất nhiên con số các họa sĩ đạt được điều này mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, tranh của họ đã dần xác lập được vị trí tại thị trường tranh khu vực và nên sáng tác nhiều hơn với nhiều đề tài hơn để giữ vững được vị trí của mình.
Đối với các họa sĩ trẻ khác, nếu mong muốn tìm kiếm chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước, không có cách nào khác là tiếp thị mạnh và tích cực tham gia triển lãm. Việc làm cầu nối giữa họa sĩ và người yêu mỹ thuật, nếu chuyên nghiệp phải cần người đại diện cho họa sĩ như kiểu Chi Art Space. Người trung gian đó sẽ có trách nhiệm giới thiệu, quảng bá, cung cấp đầy đủ thông tin về họa sĩ, về tác phẩm ra bên ngoài; tổ chức các triển lãm tranh, tọa đàm, hội thảo mỹ thuật, giao lưu giữa họa sĩ với người yêu mỹ thuật… Như vậy, người xem mới có điều kiện được tiếp cận với tranh của họa sĩ trẻ, hiểu mới có thể dễ cảm nhận được cái hay, cái đẹp, dần dần mới dẫn tới yêu thích tác phẩm. Họa sĩ vô hình trung tự xác lập được một nhóm người hâm mộ, yêu thích, tự tạo được vị trí của mình.