Không thể xem hôn nhân khô cứng như điều khoản trong hợp đồng kinh doanh, nhưng nếu tất cả những kế hoạch, nhu cầu về yêu và được yêu chỉ dựa trên những suy nghĩ được để yên trong đầu, thiếu sự cân nhắc và chuẩn bị về mặt tri thức và kỹ năng thì hôn nhân cũng có thể trở thành bi kịch của tình yêu.
Học hỏi từ những sai lầm
Tình yêu vốn dựa trên cảm xúc, nhưng để tình yêu không lạc lối, nhất thiết cần sự tham gia của lý trí. Tình yêu vốn là điều kiện cần để tạo ra hôn nhân, nhưng điều kiện đủ để duy trì một gia đình hạnh phúc lại chính là những sự chuẩn bị, càng chuẩn bị kỹ, càng giảm bớt nguy cơ “cưới nhầm, trao lẫn”.
Theo TS tâm lý học lâm sàng Ann Gold Buscho (chuyên gia về lĩnh vực tham vấn gia đình tại Mỹ), có những lý do thường dẫn đến tình trạng ly hôn để từ đó những cặp đôi chuẩn bị bước vào hôn nhân có sự chuẩn bị để tránh vấp phải. Đầu tiên là “quản lý tiền bạc”, của chồng công vợ, hay ai làm người đó hưởng? Những câu nói đùa về việc “xin vợ 50.000 đồng ăn sáng” tưởng chừng vô hại, nhưng cũng nói lên một thực trạng trong việc quản lý chi tiêu chưa hợp lý.
Thứ nữa là chuyện “sinh và nuôi con”. Có con được xem là một trong những mục đích nhân văn của việc lập gia đình. Tuy nhiên, thiếu kiến thức chăm sóc trẻ, không thống nhất các quan điểm nuôi con, hoặc thiếu sự quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau khi có một thành viên mới xuất hiện, đều là những lý do dẫn đến ly hôn.
Ngoài ra, còn lý do như “không chấp nhận sự khác biệt của nhau”. Lăng kính của mỗi người là khác nhau, tùy vào đặc trưng văn hóa, điều kiện nuôi dưỡng của gia đình và giáo dục của nhà trường. Khi về chung một nhà, việc học cách chấp nhận những sự khác biệt là bài học khó khăn nhất. Sự kỳ vọng phi thực tế là: Chúng ta không thể sống chung với một người mà khi từ đầu, chúng ta đã biết mình không thể chịu nổi một trong những đặc điểm cốt lõi của họ. Thay đổi và cùng nhau tốt lên là giá trị nhân văn, nhưng các cặp đôi được khuyên nên làm điều này trước khi kết hôn, thay vì hy vọng sau đó mọi thứ sẽ tốt hơn.
Chưa hết, một mảnh giấy sẽ trở nên rất khó xé nếu bạn gấp nó lại nhiều lần. Tương tự như những mâu thuẫn, nếu những khác biệt không được giải quyết từ đầu sẽ trở thành “mầm mống tai họa” sau này. Đó cũng là lý do công tác hàn gắn và hòa giải thường rất khó khăn.
Đẩy mạnh các lớp tiền hôn nhân
Rõ ràng, việc cải thiện tình hình và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho các cặp đôi sắp cưới là điều hết sức quan trọng.
Trước tiên chính là những lớp học về kiến thức sức khỏe. Thông thường, các cặp đôi chỉ bắt đầu đi kiểm tra sức khỏe khi chuẩn bị kết hôn, sau đó mới phát hiện những vấn đề như hiếm muộn, sinh con dễ bị dị tật do sự xung đột các nhiễm sắc thể… Thậm chí, có những cặp đôi còn không biết rằng mình nên tiến hành những kiểm tra này.
Vì vậy, việc trang bị và tiến hành các bài kiểm tra sức khoẻ là điều kiện tiên quyết để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chính nhờ những kết quả kiểm tra này, giúp định hướng cho những cặp vợ chồng đưa ra những quyết định quan trọng: Nên sinh con hay không? Khi chăm sóc sức khoẻ cho nhau, cần lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm gì?
Kiến thức liên quan đến quản lý tài chính cũng rất cần thiết với những cặp đôi, khi người trẻ dưới 30 tuổi thường đối mặt rất nhiều với khủng hoảng: Có nhà, có xe, có sổ tiết kiệm rồi hẵng cưới. Một trong những nguyên tắc quản lý tiền hiệu quả là đưa ra những định mức cần thiết cho các hạng mục, thay vì bạn chỉ để một cọc tiền và không biết rằng khi nào mình sẽ vung tay quá trán.
Các chuyên gia cho rằng, bạn nên dành ra 6 quỹ tài chính sau: 55% dành cho các chi tiêu thiết yếu; 10% tiết kiệm dài hạn; 10% dành cho giáo dục và phát triển bản thân; 10% dành cho việc thư giãn và hưởng thụ; 10% dành cho các sự cố phát sinh và 5% dùng để “cho đi” (từ thiện hoặc xây dựng các mối quan hệ).
Trong 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của một con người, yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng, vì cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, còn gia đình lại là mái trường đầu đời của trẻ. Một sinh linh chào đời, gia đình không chỉ cần chuẩn bị đầy đủ về mặt tài chính mà còn là thời gian, công sức và cả định hướng phát triển cho con.
Theo các nhà tâm lý, có 4 phong cách cha mẹ: Phong cách dễ dãi (chiều chuộng mọi ước muốn của con), phong cách độc đoán (quyết định mọi thứ thay con), phong cách thờ ơ (không quan tâm đến bất cứ thứ gì ở con), và phong cách dân chủ (đồng hành nhưng vẫn trao quyền cho con).
Mâu thuẫn của cha mẹ - con cái thường đến từ 3 phong cách đầu tiên và để rèn luyện được phong cách cuối cùng, chỉ có thể đến từ việc tiếp thu các kiến thức về đặc trưng lứa tuổi, rèn luyện khả năng quản lý cảm xúc và các thủ thuật kỷ luật tích cực. Đây là những điều tối quan trọng trong những lớp tiền hôn nhân.
Trong thời đại 4.0, khi trung bình người Việt Nam dành khoảng 4-5 giờ cho việc sử dụng mạng xã hội, điều này lại dần nảy sinh những vấn đề khác có thể xảy ra trong hôn nhân (ngoại tình, nghiện smartphone, thiếu giao tiếp, hời hợt…), đòi hỏi các báo cáo viên phải thường xuyên cập nhật xu hướng, các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất để tìm ra những giải pháp phù hợp, giúp đỡ cho các cặp đôi chuẩn bị bước vào hôn nhân.
Gia đình vẫn luôn là một tế bào của xã hội. Tế bào khỏe mạnh thì cả cơ thể mới có đủ sức để vươn mình đi lên. Do đó, đầu tư kiến thức và kỹ năng trước khi bước vào hôn nhân là điều cần được quan tâm, tạo điều kiện bởi các cấp chính quyền, cần sự vào cuộc của các chuyên gia giáo dục, tâm lý và càng cần hơn nữa sự quan tâm của những cặp đôi trẻ. Sự chuẩn bị chu đáo chính là chìa khóa biến hôn nhân trở thành đích đến mơ ước của tình yêu và là sự khởi đầu của hạnh phúc.