Lâu nay, tranh chấp quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, là mối bận tâm chính của hai nước. Tranh chấp chủ quyền khu vực này đã khiến hai nước không ký được hòa ước từ sau Thế chiến II. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine cản trở các cuộc đối thoại của Nhật Bản với Nga về khả năng đi đến một hiệp định hòa bình song phương.
Theo giới quan sát, việc từ bỏ các cuộc đàm phán Nga - Nhật Bản sẽ kéo theo gia tăng hoạt động quân sự quanh khu vực tranh chấp và làm gia tăng bầu không khí căng thẳng giữa hai nước. Trên thực tế, điều này đã diễn ra khi tháng 3 vừa qua, Nhật Bản cho biết đã điều động chiến đấu cơ sau khi một trực thăng Nga bị cho là đã xâm phạm trong một thời gian ngắn không phận của Nhật Bản. Đến đầu tháng 4, lần đầu tiên kể từ năm 2003, Tokyo tái khẳng định có chủ quyền đối với khu vực tranh chấp giữa hai nước. Đáp lại, Moscow đã huy động lực lượng tiến hành tập trận ở biển Nhật Bản...
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng chấm dứt giai đoạn hòa hoãn với Nga dưới thời người tiền nhiệm Shinzo Abe, mà ông Kishida làm ngoại trưởng. Thời điểm đó, để tránh làm căng thẳng mối quan hệ với Nga, Chính phủ Nhật Bản đã không phản ứng gay gắt đối với các vấn đề liên quan tới Nga trên trường quốc tế như sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014, vụ cựu điệp viên Sergei Skripal…
Thống kê cho thấy, có đến 28 cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản, cùng với nhiều hy vọng về hợp tác kinh tế được đưa ra vào tháng 12-2018 cho khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa hai nước cho đến nay vẫn chưa thể có được kết quả như mong muốn. Với những diễn biến hiện nay xoay quanh cuộc xung đột tại Ukraine, dường như đích đến bằng một hòa ước còn xa vời.