Lan khắp châu Âu
Mới nhất, Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ (AFSCA) thông báo, từ ngày 15-11, gia cầm phải được giữ trong chuồng nuôi trong bối cảnh dịch lan khắp châu Âu và một biến thể có khả năng làm lây lan nhanh dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện tại một thị trấn gần thành phố Antwerp, thủ phủ tỉnh Antwerpen thuộc vùng Flanders, Bỉ. Cùng ngày, Na Uy thông báo dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại một trang trại ở khu vực Rogaland khiến 221 gia cầm chết, 7.000 con gia cầm còn lại bị tiêu hủy.
Trước đó, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) dẫn báo cáo của các cơ quan chức năng Italy cho biết, một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đang diễn ra tại một trang trại ở Ostia Antica gần thủ đô Rome. Chính quyền cũng thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giám sát các biện pháp cần thiết, bao gồm lệnh cấm di chuyển “gia cầm, chim bị nuôi nhốt hoặc động vật có vú nuôi trong nhà” mà không có sự cho phép của bác sĩ thú y. Bất kỳ ai ra vào trang trại đều phải tuân thủ các quy trình cần thiết. Đức, Ba Lan, Anh đã ghi nhận một số ổ dịch và đã tăng cường các biện pháp siết chặt. Chính phủ Pháp cũng đã đặt cả nước trong tình trạng báo động cao.
Dịch cúm gia cầm hiện đang lây lan nhanh ở nhiều nước châu Âu. OIE cho biết, phần lớn các nước đã nâng cảnh báo lên mức cao, đồng nghĩa với việc gia cầm và tất cả các loại chim nuôi phải được bảo vệ hoặc giữ ở trong nhà để tránh tiếp xúc với chim hoang dã. Trong bối cảnh mùa đông tới gần, nguy cơ dịch cúm H5N1 bùng phát càng làm gia tăng lo ngại đối với ngành chăn nuôi vốn đã thiệt hại nặng nề sau những đợt dịch buộc phải tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm.
Lo ngại gia tăng ca nhiễm virus H5N6 ở người
Trong khi đó, ngày 16-11, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) thông báo đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng độc lực cao H5N8 tại một nông trại nuôi gà ở thành phố Izumi, thuộc tỉnh Kagoshima và là đợt bùng phát cúm gia cầm thứ 3 tại Nhật Bản trong mùa đông này.
Kể từ cuối tháng 10 đến nay, Trung Quốc đã báo cáo 21 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người trong năm nay, tăng 16 trường hợp so với năm ngoái. Mặc dù số liệu này thấp hơn nhiều so với hàng trăm người bị nhiễm H7N9 vào năm 2017, song bệnh do virus H5N6 gây ra đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người trở bệnh nặng và ít nhất 6 người đã tử vong. Reuters dẫn lời Giáo sư Thijs Kuiken tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) nhận định: “Sự gia tăng các ca nhiễm virus H5N6 ở người tại Trung Quốc trong năm nay là điều đáng lo ngại. Đây là một loại virus gây tử vong cao”. Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc hồi đầu tháng cũng xác nhận lần đầu tiên trong 7 tháng qua tại nước này xuất hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm độc lực cao ở chim hoang dã và ngay lập tức đã nâng cấp độ cảnh báo cúm gia cầm lên mức cao nhất (cảnh báo đỏ).
Mặc dù không có bất kỳ khả năng nào cúm gia cầm lây sang người qua việc ăn thịt hoặc trứng gà, tuy nhiên sự gia tăng số lượng người mắc cúm gia cầm ở Trung Quốc trong năm nay đang khiến các nhà dịch tễ học lo ngại, đặc biệt khi thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19. WHO cho biết, hầu hết các trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm đều tiếp xúc với gia cầm và không có trường hợp nào được xác nhận lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh sự “cấp bách” phải tiến hành thêm các cuộc điều tra để hiểu rõ về nguy cơ và nguyên nhân gia tăng số ca nhiễm virus H5N6 ở người.