(SGGP).- Đó là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 6-8. Kể từ ngày 19-7 tới nay, đã xuất hiện rải rác một số ca bệnh dương tính với cúm A/H1N1 ở Đồng Nai, Tiền Giang và TPHCM. Trong đó có 1 trường hợp bé gái 6 tuổi ở TPHCM tử vong vì cúm A/H1N1 cách đây ít ngày. Đây được xem là dấu hiệu báo động dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát trở lại.
Tuy nhiên, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho rằng, để khẳng định Việt Nam có đang sắp trải qua một giai đoạn đại dịch cúm mới không thì cần phải tăng cường các hoạt động giám sát dịch tễ học. Virus cúm A/H1N1 đại dịch hiện đang lưu hành ở Việt Nam vẫn là chủng đã gây ra đại dịch năm 2009, chưa có sự biến đổi về kháng nguyên, độc lực, khả năng gây bệnh. Có nghĩa là đại bộ phận người mắc vẫn ở thể nhẹ, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Người già ít mắc hơn những người dưới 65 tuổi. Cần thận trọng nhất vẫn là những người mắc bệnh mãn tính (bệnh hen, phổi, tim, tiểu đường, béo phì, suy giảm miễn dịch), phụ nữ có thai và trẻ em. Bởi khi mắc A/H1N1 đại dịch, sức đề kháng của họ sẽ giảm, có thể dẫn đến bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh, ví dụ như phế cầu gây viêm phổi và dẫn đến tử vong.
Viện Vệ sinh dịch tễ khuyến cáo, để giảm nguy cơ tử vong do cúm A/H1N1, những người bị sốt kéo dài, ho khó thở, có triệu chứng viêm phổi, đặc biệt ở những nhóm người có nguy cơ cao đã nêu ở trên, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phát hiện kịp thời.
Q.Khánh